Mục lục bài viết

  • 1 Đức Ông Phạm Ngũ Lão – Đền Phù Ủng
  • 2 A- Thân thế
  • 3 B- Công trạng
    • 3.1 Một vị tướng tài ba
    • 3.2 Có tài văn thơ
  • 4 C- Ghi nhận của sử sách và hậu thế
    • 4.1 Sử sách
    • 4.2 Hậu thế tôn thờ
  • 5 D- Đền Phù Ủng

Đức Ông Phạm Ngũ Lão – Đền Phù Ủng

Vương triều Trần – một vương triều với nhiều võ công hiển hách, có những đóng góp quan trọng về văn hiến trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Một trong những nét đặc sắc của triều Trần là việc xuất hiện những vị tướng văn võ song toàn ở mọi tầng lớp, mà người tiêu biểu nhất là Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, một danh tướng xuất thân từ tầng lớp nông dân.

Đức Ông Phạm Ngũ Lão
Đức Ông Phạm Ngũ Lão

A- Thân thế

Phạm Ngũ Lão (chữ Hán: 范五老; 1255–1320) là tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Theo sách Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn gia phả họ Phạm, ông là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh (tức cháu đời thứ 10 của Phạm Chiêm ở Trà Hương, Nam Sách, Hải Dương).

Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút có kể lại chuyện Phạm Ngũ Lão ra mắt Trần Hưng Đạo đại ý như sau: Hưng Đạo Vương cùng tuỳ tùng đi ngang qua Đường Hào thấy Phạm Ngũ Lão ngồi bên vệ đường đang đan sọt. Quân lính kéo đến, dẹp lối đi. Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi thản nhiên như không để ý đến ai cả. Quân lính cầm giáo đâm vào đùi chảy máu mà ông vẫn không nhúc nhích, thấy vậy Vương dừng lại hỏi, bấy giờ Phạm Ngũ Lão mới trả lời rằng đang nghĩ một câu trong binh thư nên không để ý. Biết người có tài, Trần Hưng Đạo cho ông ngồi cùng kiệu đưa về kinh sư. Từ đó Phạm Ngũ Lão trở thành môn khách của Trần Hưng Đạo.

Ông được Trần Hưng Đạo gả con gái cho. Để làm được điều đó một cách thuận tình đạt lý, Trần Quốc Tuấn đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi vì nhà Trần có quy định chỉ gả con gái trong dòng tộc.

B- Công trạng

  • Một vị tướng tài ba

Với tài năng kiệt xuất lại được Trần Quốc Tuấn rèn cặp, tin cậy, Phạm Ngũ Lão đã mau chóng trở thành một trong những vị tướng xuất sắc nhất trong hai lần đánh tan giặc xâm lược Nguyên – Mông. Sau này, khi phò tá ba đời vua nhà Trần, ông đã lập nhiều chiến công xuất sắc, nhiều lần đánh dẹp quân Ai Lao và quân Chiêm Thành cũng như các tù trưởng phản loạn nơi biên giới.

Khi đế quốc Nguyên – Mông đại bại, Hưng Đạo Đại vương mất thì Phạm Ngũ Lão là một trong những vị lương tướng mà triều đình vô cùng tin tưởng, ông chính là chỗ dựa quân sự của triều đình. Đại việt sử ký toàn thư chép: “Ông huấn luyện quân đội rất có kỷ luật, đối đãi tướng hiệu tựa như người nhà, cùng đồng cam cộng khổ với binh sĩ. Quân đi tới đâu không ai dám chống, tất cả chiến lợi phẩm thu được đều xung vào quân, coi của cải như không, là bậc danh tướng của một thời vậy”.

Trong hai cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên (1285-1288) Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công:

Tháng 9 năm 1284, để đối phó với tình hình căng thẳng từ sức ép chiêu hàng của triều đình nhà Nguyên và sự lung lay giữa đánh hay hòa của nội bộ triều Trần, Trần Quốc Tuấn cho tổng duyệt quân binh tại Đông Bộ Đầu để nâng cao sĩ khí toàn quân, củng cố tinh thần chiến đấu của các vua quan Trần. Trong cuộc đại duyệt ấy, Trần Quốc Tuấn đã cắt cử bố phòng và điều những tướng tài giỏi nhất lên các mặt trận quân sự quan trọng, Phạm Ngũ Lão được giao trọng trách bố trí quân đội bảo vệ vùng biên giới Đông Bắc (lúc này ông 30 tuổi).

Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và diệt quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, Phạm Ngũ Lão được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía bắc và diệt được hai phó tướng địch là Lý Quán và Lý Hằng.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, trong trận này quân nhà Trần bắt sống các tướng nhà Nguyên là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Phạm Ngũ Lão tiếp tục truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ.

Khi nhận trọng trách phòng thủ hướng chính diện mà tập đoàn quân Thoát Hoan tiến đánh ồ ạt như triều dâng thác đổ, Phạm Ngũ Lão đã bố phòng ở các cửa ải chặn giặc, cùng dân binh đánh những trận đầu tiên khi chúng xâm phạm vào đất đai Tổ quốc, khôn khéo từng bước lui binh theo ý đồ chiến lược đã định.

Khi được Trần Hưng Đạo tin tưởng, Phạm Ngũ Lão đã đem hết sở học và tài năng quân sự của mình trong chiến cuộc lui binh thần diệu sau khi hết sức quả cảm đánh giặc tại các cửa ải Nội Bàng, Chi Lăng… và theo kế sách lui binh thành công về Vạn Kiếp.

Trong cuộc lui binh chiến lược có ý nghĩa sống còn này, Phạm Ngũ Lão đã bộc lộ là một tướng tài kiệt xuất. Khi chiến sự tiếp tục bất lợi cho quân dân nhà Trần, Trần Quốc Tuấn phải phò hai vua bỏ Thăng Long, cũng lúc ấy, đạo quân của Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra phía Bắc, phá vỡ ải Nghệ An đang tràn ra Thanh Hóa khiến cục diện chiến tranh thập phần nguy ngập với quân ta. Lúc đó, theo mệnh lệnh của Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão lập tức đi tiên phong trong đội quân của Thượng tướng Trần Quang Khải tác chiến trên mặt trận mới chống nhau với nguyên soái Toa Đô, một tướng tài lão luyện của quân Nguyên – Mông.

Thời cơ tổng phản công đã tới, sau chiến thắng Hàm Tử quan trọng đập tan đội hải thuyền hùng hậu của nguyên soái Toa Đô, Trần Quốc Tuấn quyết định tập kích Chương Dương. Phạm Ngũ Lão lĩnh ấn tiên phong dưới sự chỉ huy trực tiếp của thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải sử dụng đường thủy tiến đánh Chương Dương, nơi tập trung phần lớn thủy quân và kỵ binh địch. Trận đánh đã diễn ra hết sức khốc liệt, Phạm Ngũ Lão dẫn đầu các tráng sĩ cảm tử trên những chiến thuyền giấu sẵn chất nổ và đồ dẫn lửa xông thẳng vào những hạm thuyền của Nguyên – Mông mặc hỏa công bắn như mưa, khói lửa mù mịt trong tiếng “Sát Thát” vang dội đất trời. Trong ánh lửa, Phạm tướng quân cùng những dũng sĩ xông lên thuyền địch với một thế mạnh không gì ngăn nổi. Sau trận Chương Dương, Trần Quốc Tuấn biết Thoát Hoan tất phải bỏ kinh thành tháo chạy, đã cắt cử Phạm Ngũ Lão, dẫn quân mai phục bên cánh rừng cửa ải Nội Bàng, truy kích tàn quân của Thoát Hoan. Tàn quân Nguyên – Mông lại một phen bạt vía kinh hồn dưới tài bố trận của Phạm Ngũ Lão.

Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Một người con gái của Phạm Ngũ Lão hiệu là Tĩnh Huệ là thứ phi của vua Anh Tông.

Phạm Ngũ Lão đã ba lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao vào các năm 1294, 1297 và 1301; hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành vào các năm 1312 và 1318, buộc vua Chiêm là Chế Chí phải xin hàng.

  • Có tài văn thơ

Không chỉ có tài về quân sự, ông còn để lại nhiều bài thơ về chí trai, lòng yêu nước. Sách Đại việt sử ký toàn thư viết: “Ngũ Lão xuất thân trong hàng quân ngũ nhưng rất thích đọc sách, là người phóng khoáng, có chí lớn, thích ngâm thơ, tựa như không để ý đến việc võ binh. Nhưng quân ông chỉ huy, thực là đội quân phụ tử, hễ đánh là thắng”.

Nhưng hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài là:

Thuật hoài (Kể nỗi lòng) làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt

“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”.

 

“Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân khí thế át sao Ngưu.

Công danh nam tử còn vương nợ,

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.”

(Trần Trọng Kim dịch)

Vãn Hưng Đạo Đại vương (Viếng Hưng Đạo Đại vương) làm theo thể thất ngôn bát cú.

Ngày 1 tháng 11 năm 1320, Phạm Ngũ Lão mất, hưởng thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông nghỉ chầu 5 ngày, đây là một đặc ân của nhà vua đối với ông.

C- Ghi nhận của sử sách và hậu thế

  • Sử sách

Tài năng, đức độ, công lao và uy tín của Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão đã đi vào lịch sử. Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại khá chi tiết công tích của Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, tiêu biểu như:

Canh Dần (1290), Lấy Hạ phẩm phụng ngự Phạm Ngũ Lão chỉ Hữu vệ Thánh Dực quân.

Đinh Dậu (1297), mùa xuân, tháng 2 Ai Lao xâm phạm Chàng Long, Phạm Ngũ Lão đánh bại chúng, lấy lại được tất cả. Ban Vân phù cho Phạm Ngũ Lão.

Mậu Tuất (1298) mùa đông, tháng 10, đánh Ai Lao. Lấy Phạm Ngũ Lão làm Hữu Kim ngô vệ tướng quân.

Kỷ Hợi (1299), mùa hạ, tháng 4, ngày 12. Lấy Phạm Ngũ Lão làm thân vệ tướng quân kiêm quản quân Thiên thuộc phủ Long Hưng.

Tân Sửu (1301) tháng 3, Ai Lao sang cướp Đà Giang, sai Phạm Ngũ Lão đi đánh, gặp quân giặc ở Mường Mai, giao chiến, bắt được rất nhiều. Phong Phạm Ngũ Lão làm thân vệ đại tướng quân, ban cho quy phù.

Nhâm Dần (1302) mùa xuân, tháng giêng. Có đứa nghịch thần tên là Biếm làm loạn. Sai Phạm Ngũ Lão đi đánh, Biếm bị giết. Phong Phạm Ngũ Lão làm Điện súy, ban cho hổ phù.

Nhâm Tý (1312), mùa hạ, tháng 5. Dụ bắt được chúa Chiêm Thành Chế Chí đem về; phong cho hắn là Chế Đà A Bà Niêm làm Á hầu trấn giữ đất ấy…

Nhà sử học lỗi lạc của nước nhà ở thế kỉ thứ XV là Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên đã đánh giá rất cao về tài năng phi thường của ông:

“Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn tỏ ra ở bài hịch, Phạm Điện Súy (chỉ Phạm Ngũ Lão) thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, nào phải riêng chuyên về nghề võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, hễ tấn công là chiếm được, người xưa cũng không ai có thể vượt qua nổi các ông”. Bài hịch mà Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên nói đến chính là bài Hịch tướng sĩ văn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, còn lời thơ mà Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên nhắc tới chính là lời thơ trong bài tứ tuyệt Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão.

  • Hậu thế tôn thờ

Để tưởng nhớ vị tướng tài danh văn võ song toàn, triều đình đã cho lập đền thờ Phạm Ngũ Lão ngay trên nền nhà cũ của gia đình ông ở làng Phù Ủng.

Ông được nhân dân các thế hệ, nhất là quê hương ông tôn thờ mà đỉnh cao là lễ hội đền Phù Ủng hằng năm tưởng nhớ công đức của ông. Ông cũng được phối thờ tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương tại đền thờ Trần Hưng Đạo và nhiều nơi khác. Đặc biệt trong các đền thờ Hưng Đạo Đại Vương thường có cả tượng thờ ông. Tại đền Phù Ủng ở Thủ đô Hà Nội, nơi vọng thờ Phạm Ngũ Lão có đôi câu đối cổ ca ngợi tài đức và sự nghiệp kỳ vĩ của ông:

“Văn thi thao lược, thiên cổ tịnh hiền hào, dược thạch minh bi, hải hồ vịnh sử.

Mông – Thát, Chiêm – Lao, nhất thời giai úy phục, Trần triều kỷ tích, Việt quốc lưudanh”.

Tạm dịch:

“Văn thơ thao lược, muôn thuở ngợi hùng tài, lời răn khắc đá, biển sông ca vịnh.

Nguyên – Mông, Chiêm – Lào, một thời đều úy phục, triều Trần ghi công, sử Việt lưu danh”.

Đó cũng là tấm lòng ngưỡng vọng của nhân dân dành cho ông, vị tướng xuất thân từ nông dân.

D- Đền Phù Ủng

Theo bia ký, khu đền Phù Ủng được xây dựng từ thế kỷ 14, trùng tu vào thời Nguyễn gồm khu đền chính thờ Điện súy Thượng tướng công Phạm Ngũ Lão, bên trái có lăng Phạm Tiên Công (thân phụ) và bên phải có đền Mẫu (thờ thân mẫu), phía trong có đền Tĩnh Huệ (thờ con gái) và lăng Quốc công Vũ Huy Lượng, làm quan triều Hậu Lê – người có công tu sửa đền thờ và đặt lệ cho việc thờ cúng.

Do chiến tranh, ngôi đền chính thờ Phạm Ngũ Lão bị đốt phá năm 1948. Ngôi đền hiện nay được trùng tu và khánh thành vào ngày 10 tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1989), theo kiến trúc cổ gồm 5 gian tiền tế và tòa Hậu cung kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Tại gian Hậu cung có đặt tượng tướng quân Phạm Ngũ Lão trong thế ngồi trên ngai, gương mặt cương nghị, mình mặc triều phục gồm áo cẩm bào và mũ cánh chuồn… đây là bức tượng đồng nặng hơn 300kg được đúc từ thời Nguyễn. Nơi đây còn có tượng vợ ông là quận chúa Anh Nguyên, con gái Trần Hưng Đạo.

Rate this post