Đền Thờ Nguyễn Tri Phương – Đồng Nai

Đền thờ Nguyễn Tri Phương tọa lạc bên hữu ngạn sông Đồng Nai thuộc phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (trước kia là làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên).

Đền thờ Nguyễn Tri Phương

Nguyễn Tri Phương là một dũng tướng mưu trí thao lược cuối thế kỷ 19, cũng là người có công trong việc lập đồn điền, khai hoang lập ấp ớ các tỉnh Nam Bộ. Sau khi ông mất, để tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc vị anh hùng, nhân dân Biên Hòa đã xây ngôi đền thờ tại làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên (nay là phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa). Đền đã được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử từ năm 1992.

Với diện tích 500 m2, đình được lợp bằng mái lợp ngói vảy cá. Mặt trước của đền được đắp nổi với dòng chữ: Mỹ Khánh đình bằng chữ Hán và hai bên là cặp lý ngư hóa long, nhật nguyệt. Chính điện của đền ngày đêm nhang khói nghi ngút, hai bên thờ tả ban, hữu ban liệt vị… Chính điện có tượng Nguyễn Tri Phương được tạc khắc bằng gỗ. Tương truyền, một bô lão ở địa phương nằm mộng thấy Đức Ông Nguyễn Tri Phương hiện về với áo mũ lẫm liệt, vũ khí trong tay oai hùng, bèn chặt cây mít trước nhà tự tay tạc như hình trong mộng. Đó là bức tượng chính của đền hiện nay, cũng cần nói rõ tác giả bức tượng không phải là nhà điêu khắc.

Đền được xếp hạng là di tích cấp quốc gia

Đền thờ Nguyễn Tri Phương luôn được nhân dân địa phương và Ban quí tế trông coi gìn giữ ngăn nắp, sạch sẽ. Vào các ngày lễ, hội bao thiện tâm tín hữu tụ họp về đền dâng hương cầu phúc. Hàng năm, đền tổ chức lễ Kỳ yên rất long trọng. Lễ Kỳ yên (cầu an) còn gọi là lễ vía thần, nghi thức của lễ Kỳ yên cũng giống như nghi thức của lễ cúng Đình thần Nam bộ bao gồm: Lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền, lễ rước thần, lễ dâng vật cúng thần và lễ tống ôn. Lễ Kỳ yên ở đền Nguyễn Tri Phương được tiến hành vào ngày 16 và 17 tháng 10 âm lịch. Lễ Kỳ yên được chuẩn bị rất chu đáo. Trước khi hành lễ, các vị hương chức lớn nhỏ đều hội tại đền để yết kiến thần thánh. Đến tối lễ bắt đầu từ lúc trăng lên cũng là khi con nước bắt đầu lớn. Lễ kéo dài trong hai ngày với những nghi thức tiến thần, diễn hành lễ bộ, tống phong… rất độc đáo và đẹp mắt. Dân trong làng, các nơi xa gần cùng các ban quí tế đình, đền trong vùng đến dự.

5/5 - (1 bình chọn)