Đền Hạ Tuyên Quang thờ Mẫu Thoải, nằm ở 53, phố Lý Nam Đế, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Địa danh nơi đây còn gọi là Tam Cờ nên đền thường được gọi là Đền Mẫu Tam Cờ. Ngôi đền này nằm trên vùng đất ngày xưa có tên là Hiệp Thuận, nên đôi khi còn gọi là Đền Hiệp Thuận.
Đền Hạ Tuyên Quang, chính là nơi phát tích của Mẫu Thoải, tức Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ. Đền Hạ Tuyên Quang chính là khởi nguồn của Đền Dùm (Đền Thượng) và Đền Ỷ La. Đây là một cụm đền thờ Mẫu Thoải có chung một nguồn gốc.
Lễ hội Đền Hạ Tuyên Quang
Lễ hội Đền Hạ Tuyên Quang hàng năm kéo dài 6 ngày từ ngày 11 đến hết 16 tháng 2 âm lịch. Lễ chính là ngày 11 và ngày 12. Sáng sớm ngày 11, người dân và khách thập phương tập trung tại đền Ỷ La Tuyên Quang để rước bà Phương Dung công chúa ra Đền Hạ Tuyên Quang. Ngày 12, mọi người lại tề tựu đông đủ tại đền Thượng Tuyên Quang để rước bà Ngọc Lân công chúa về Đền Hạ. Hai bà sẽ gặp nhau tại Đền Hạ để cùng hợp tế.
Sau phần lễ là phần hội với rất nhiều trò chơi dân gian như đánh tổ tôm, tam cúc, cờ tướng, ô ăn quan, chọi gà, kéo co, hát văn… kéo dài suốt ba ngày 13, 14, và 15. Đến ngày 16, mọi người cùng làm lễ hoàn cung đưa Mẫu trở về đền thờ riêng của mình, và kết thúc lễ hội đền Hạ Tuyên Quang.
Lễ hội Đền Hạ Tuyên Quang
Dẫn đầu đoàn rước lễ là đội múa lân, cờ, trống, phường bát âm, tiếp đó là nhang án, kiệu bát cống kiệu võng, các cụ bô lão, những người hành lễ, du khách thập phương. Đoàn rước Mẫu đi đến đâu cũng có nhân dân nô nức ra xem, nhiều gia đình còn sắp một mâm lễ, đinh tiền, nén nhang chờ đoàn rước đi qua, cầu Mẫu mang phước lộc đến gia đình mình. Không chỉ xem, ngắm, hàng ngàn người từ trung niên, những cụ già 70, 80 tuổi đến những em bé cũng tự nguyện ngồi thành hàng dọc đường để được chui qua kiệu Mẫu.
Người xưa quan niệm được chui qua kiệu Mẫu, người già sẽ có sức khoẻ, trẻ con hay ăn chóng lớn, người người ăn nên làm ra… Đoàn đi mỗi lúc một đông, không chỉ có người dân địa phương tham gia mà còn rất đông du khách thập phương đến tham gia lễ hội tại đền Hạ Tuyên Quang.