Đền Mõ
Đền Mõ thuộc xã Ngũ Phúc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, nằm cách trung tâm huyện khoảng 4km sát ngay bên đường quốc lộ.
Đền Mõ thờ Quỳnh Trân công chúa, người đã có công khai hoá mảnh đất này. Năm Quí Mùi (1283), công chúa xin vua Trần Thánh Tông cho xuất gia qui y nơi cửa Phật và được chấp thuận. Công chúa đã chọn đất thuộc làng Nghi Dương (thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương) làm nơi lập am. Sau đó bà chiêu mộ dân đến khai hoang lập ấp, rồi cùng với dân xây dựng lại thành ngôi Đền Mõ.
Đền Mõ Hải Phòng
Theo lời kể dân gian công chúa đặt hiệu lệnh bằng tiếng mõ để mọi người nghe đó mà nghỉ ngơi, ăn uống, đi làm… nên mọi người gọi công chúa là “ Bà chúa Mõ”, rồi tụ tập trai tráng mở vật cầu trời cho mưa thuận gió hòa, có nước cho nhà nông cấy trồng, mùa màng tươi tốt.
Tháng 11 năm Mậu Thân, công chúa viên tịch. Thi hài được đưa về chùa Tư Phúc ở kinh sư lập tháp an táng. Vua Trần Anh Tông ra sắc chỉ tặng phong Trần Triều A Nương Thiên Thụy Quỳnh Trân công chúa, ban cấp 300 quan tiền đồng cho 5 xã rước sắc phong về xã Nghi Dương lập đền thờ. Đền Mõ có từ đó và được lưu giữ đến ngày nay.
Tam quan Đền Mõ Hải Phòng
Đền được xây dựng cạnh chùa tạo thành một quần thể kiến trúc thống nhất. Đền Mõ nằm trong khuôn viên có diện tích 12.724m2, bên cạnh đền là một chùa cổ, (gọi là chùa Mõ) có cây gạo cổ thụ trên 700 năm, cành lá xum xuê tỏa bóng. Từ ngoài vào là con đường nhỏ chạy dài xuyên qua Tam quan gọi là Thần đạo. Theo “thần đạo”, chạy thẳng vào là gian tiền đường (nhân dân quen gọi là cung đệ tam), hai bên là hai toà giải vũ 5 gian, 2 trái.
Kiến trúc của đền gồm 3 toà nhà, bố cục theo kiểu Tiền nhất hậu đinh, gồm 5 gian tiền đường (cung đệ tam), 5 gian đại bái (cung đệ nhị) và 2 gian hậu cung hình chuôi vồ. Các toà nhà kề sát nhau tạo cho đền mang dáng vẻ thâm nghiêm và trang trọng. Toà tiền đường xây theo kiểu “tường hồi bổ trụ giật tam cấp”, tạo cho ngôi đền mang dáng vẻ vững chắc. Ba gian trung tâm toà tiền đường lắp hệ thống cửa gỗ lim kiểu “cửa tùng cung khách” chắc chắn và đẹp.
Cây gạo 700 năm tuổi tại Đền Mõ Hải Phòng
Tượng Quỳnh Trân công chúa được đặt trong khám ở gian hậu cung, nơi trang nghiêm của ngôi đền. Hơn 700 năm đã trôi qua, lịch sử đã bao bước thăng trầm nhưng đền chùa Mõ vẫn được gìn giữ như thủa ban đầu bằng lòng thành kính của người dân nơi đây. Hàng năm lễ hội đền chùa Mõ vẫn được tổ chức vào mồng 6 tháng Giêng (lễ Kỳ Phúc) và thường được kéo dài ba ngày với nhiều hoạt động như: lễ rước Thành Hoàng làng, hội vật Cầu Đảo, các trò chơi đánh cờ, chọi gà, tổ tôm điếm. Trong các dịp lễ hội, đền chùa Mõ luôn được đón nhận rất nhiều khách thập phương tới thăm.
Khuôn viên Đền Mõ Hải Phòng
Đền Mõ là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, một di tích lịch sử văn hóa thờ Công chúa Thiên Thụy, người có công với quê hương đất nước và đã được các triều đại nhà nước phong kiến trao 12 bản sắc phong. Năm 1991, đền Mõ xã Ngũ Phúc được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc Gia. Đến nay Đền Mõ đã và đang được tu bổ khang trang tố hảo.
Bia đá bên trong Đền Mõ Hải Phòng
Có dịp đến Hải Phòng, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Đền Mõ, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.