Đền Thượng được xây dựng vào thời hậu Lê. Trải qua thời gian mưa nắng, ngôi đền bị hư hỏng, được trùng tu lại nhiều lần. Hiện nay phần kiến trúc cơ bản, những bức trạm trổ, đường nét hoa văn, hiện vật… còn giữ lại được tại đền đều thuộc thời Nguyễn.

Đền Thượng (xã Tràng Đà, thị xã Tuyên Quang), thờ Ngọc Lân Công chúa mà dân gian vẫn thường gọi với lòng thành kính là Mẫu Thoải. Đền tọa lạc trên thế “Gối sơn nghênh thuỷ”, trước đền là sông Lô hùng vĩ, sau đền là núi Dùm.

Cổng đền Thượng


Sông Lô trên đường dẫn vào Đền Thượng

Đền Thượng còn lưu giữ được 5 đạo sắc của các triều vua phong tặng cho thần. Hiện vật cổ nhất còn giữ được là sắc phong của vua Cảnh Hưng năm thứ 4 (1743). Nội dung các sắc phong của vua ban vừa mang dấu ấn lịch sử vừa mang tính chất văn chương, ca ngợi phẩm chất cao quý và sức mạnh linh thiêng của các nương thần phù trợ cho nước, cho dân. Văn bia và sử sách còn ghi rõ: Trong cuộc đánh dẹp khởi nghĩa của Nùng Văn Vân, Tổng đốc Lê Văn Đức đã làm lễ cầu đảo ở đền Thượng và đền Hạ. Dẹp loạn xong, nhà vua ban cấp sắc phong cho hai ngôi đền và dùng những mỹ từ cao quý nhất phong tặng cho các nương thần.

Đền Thượng nổi tiếng linh thiêng, quanh năm không chỉ người dân vùng Tuyên Quang đến lễ bái, cầu xin phúc lộc, mà khách từ bốn phương cũng về đây đông như chảy hội, nhất là vào những kỳ lễ hội chính 12-2 và 12-7 âm lịch hằng năm. Bà Nguyễn Thị Hoà, tổ trưởng tổ quản lý đền Thượng cho biết: Đền Thượng là một trong ba ngôi đền nổi tiếng linh thiêng của thị xã Tuyên Quang. Hàng năm, đền thu hút rất đông khách đến tham quan, vãn cảnh. Năm 2007, đền Thượng đã đón 41.812 lượt khách. Các hiện vật do khách thập phương đến công đức từ đầu năm đến nay trị giá 74 triệu đồng, bao gồm: ngựa gỗ, hạc gỗ, giá vàng…

Một góc đền Thượng

Tục rước Mẫu của người dân thị xã Tuyên Quang đã có từ lâu đời. Vào ngày 12-2 và 12-7 âm lịch hằng năm, lễ rước bắt đầu từ đền Ỷ La ra đền Hạ rồi từ đền Thượng về đền Hạ. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân thị xã Tuyên Quang. Đến thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, do loạn lạc, tục rước Mẫu đã bị lãng quên. 2 năm gần đây, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, đồng thời khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế – xã hội địa phương, UBND thị xã Tuyên Quang đã khôi phục tổ chức lễ hội đền Hạ, rước Mẫu từ đền Thượng về đền Hạ vào ngày 12-2 âm lịch. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian như: Chọi gà, kéo co, cờ tướng, hát chầu văn…

5/5 - (1 bình chọn)