Cách Đình – Chùa Cầu Muối 150m về phía Bắc là đền Công Đồng. Đền nằm trên một quả đồi cao hình bán nguyệt có độ cao trung bình so với mặt bằng xung quanh khoảng trên 50m. Đền kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian tiền tế và một gian hậu cung. Trước cửa Đền Công Đồng là một khoảng sân rộng phía trước dựng một án hương thờ Mẫu Bán Thiên Công Chúa. Hai bên lập am thờ Quan Sơn Thần (phía trái) và Mẫu mẹ (phía phải). Tòa tiền tế ba gian dài 9m, rộng 4m, diện tích 36 . Hậu cung dài 5m, rộng 4m, diên tích 20.
Cửa đền Công Đồng – Cầu Muối
Chính giữa trên hương án thờ Mẫu Liễu Hạnh. Đây là tượng của một người đàn bà trẻ, đẹp, phúc hậu (mặc áo xanh) từ bi trong tư thế bình thường của một người dân giữa cuộc đời. Bên phải thờ Tam tòa Thánh Mẫu: tượng Mẫu Thoải Cung, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Thiên và Tam Phủ Công Đồng. Trên hương án trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt. Ba tán cây Sau Sau cổ thụ chừng 200 năm tuổi tỏa bóng mát khuôn viên, tạo không khí trong lành, thoáng mát cho du khách.
Đền Công Đồng Cầu Muối là nơi thờ tự chính của Đạo Tứ Phủ, nơi được tương truyền là rất linh ứng và thiêng liêng. Có lẽ chính vì vậy, hàng năm nơi đây thu hút rất đông khách thập phương. Qua 3 lần đầu thai, bà Chúa Liễu Hạnh nổi tiếng về sự hiếu đạo, được người đời truyền tụng và suy tôn làm mẹ của muôn người. Bà là biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ. Bà đề cao hạnh phúc, quyền tự do và độc lập. Các nguyên tắc của Mẫu Liễu Hạnh về trừng phạt kẻ xấu và ban thưởng người tốt đã trở thành thông điệp về sự bảo vệ và hi vọng vào công bằng xã hội cho nhân dân.
- Ngoài ra, trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện li kì, huyền bí về nguồn gốc lập nên đền Công Đồng là: “Ngày xưa có 2 mẹ con người nọ đi bán muối ngang qua địa phận của dãy núi hiện nay cho xây dựng Đền thì thấy không khí trong lành, núi non xanh tốt bèn nghỉ chân tại đó. Người con thấy khát nước nên đòi mẹ đi lấy nước.
Người mẹ xuống khe suối ngay dưới chân núi lấy nước thì bị một con hổ dữ tát chết, người con thấy lâu thì xuống tìm mẹ, khi xuống đến suối thì cũng bị hổ tát chết. Nhưng kì lạ, hổ đói lại không ăn thịt mà để 2 mẹ con nằm cạnh nhau bên bờ suối. Cũng kì lạ thay, không biết từ đâu, mối đùn đất che kín 2 mẹ con chỉ để hở 2 bàn chân.
Dân làng thấy lạ, bèn làm lễ cúng rồi chọn một vị trí đẹp trên lưng chừng núi chôn cất. Nhưng mỗi ngày, mỗi tháng qua đi đống đất mối đùn lên ngày một to hơn, thành một cái gò đất cao. Dân làng đem rào giậu chỗ đó cẩn thận và coi đó là vùng đất thiêng, không được xâm phạm.
Theo lời người dân kể lại, Mẫu báo mộng vào một người trong làng, yêu cầu lập đền thờ ngay phía trên gò đất đó. Hiện nay, bên trong hậu cung ngay dưới tượng thờ Quan hổ là mộ của vị Thánh Mẫu trong truyền thuyết được nhân dân truyền miệng tới bây giờ.”
Câu chuyện tuy mang tính chất li kì, nhưng đó là những giá trị được kết tinh, lưu truyền và bảo tồn đến ngày nay.
Từ khi có đền Công Đồng Cầu Muối, dân làng và nhân dân xa gần thường đến cầu nguyện, cầu của, cầu phúc, cầu người, cầu tài, cầu mưa…; cầu gì được nấy rất linh thiêng. Đã từ lâu, người dân Cầu Muối và du khách thập phương luôn nhớ ngày 04 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày giỗ Mẫu ở Đền Công Đồng và tổ chức lễ hội ở cụm di tích này.