Đền Phủ Bắc Giang

Đền Phủ là nơi tôn thờ Bà Chúa Kho thời Trần. Đền tọa lạc gần cuối đường Nguyễn Văn Cừ thuộc địa phận phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang. Nơi đây đã trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách thập phương.

Đôi sư tử tại cổng Đền Bà Chúa Kho

Lễ hội dân gian lưu giữ và phản ánh chân thực bản sắc văn hóa dân tộc, điều này cũng được khắc họa sinh động và rõ nét trong các lễ hội mùa xuân ở châu thổ Sông Hồng – cái nôi của văn hóa Việt. Không khí rộn rã ngày tết bao phủ những dịp lễ hội được tổ chức kéo dài suốt mùa xuân. Yếu tố tâm linh, nhu cầu tín ngưỡng và đặc biệt là cách đối xử khoan dung đã tạo ra sự cuốn hút người dân tới lễ hội nơi đây.

Nơi thờ Thiên Địa tại Đền Phủ

Đền Phủ có quy mô bề thế, bố cục mặt bằng theo kiểu nội công ngoại quốc gồm có tiền tế 5 gian và toà hậu cung. Phía trước tiền sảnh được xây dựng 2 tòa gác chuông ở 2 bên. Trong đền có tượng Bà Chúa Kho, tượng Tiên Đồng, Ngọc Nữ bằng gỗ sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trước khoảng sân rộng là nghi môn, kiến trúc công phu, tiếp đến là ao sen to. Đặc biệt phía Nam đền có một cây đa cổ thụ, các bậc bô lão kể lại rằng cành rễ toả rộng cả một vùng, thậm chí còn được phong là cây đa lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ, tán cây che kín tới 3-4 phần khu đền, cò vạc thường kéo nhau về trú ngụ.

Lầu Cô Bé

Trải qua bao sự biến thiên của lịch sử, chịu sự tàn phá sau hai cuộc chiến tranh, một thời gian dài ngôi đền được sử dụng vào mục đích khác nhau. Đến năm 2008, đền được trao lại cho nhân dân địa phương để phục hồi thờ phụng. Nhờ sự ủng hộ phát tâm công đức của nhân dân đến nay, ngôi đền đã phục hồi trên nền móng cũ, trở nên khang trang, tuy nhiên với quy mô, dáng vẻ nhỏ hơn xưa rất nhiều và nằm ở cuối đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bắc Giang ngày nay. Việc đánh giá di tích đền Phủ không chỉ nhìn vào quy mô kiến trúc, vẻ bề ngoài mà phải đi sâu tìm hiểu phần giá trị nội tại bên trong đó. Như vậy mới thấy hết được giá trị lịch sử lớn lao của di tích.

Gian chính điện Đền Phủ

Đền Phủ lưu truyền câu chuyện về sự tích của Bà Chúa Kho đời Trần. Tên bà là Lý Thị Châu (Châu Nương) có tài lại có sắc. Cha bà từng giữ chức quan trọng dưới triều Trần ở kinh thành Thăng Long. Bà thường giúp cha việc sổ sách kho tàng hàng ngày. Năm 22 tuổi, Châu Nương lấy một viên quan họ Trần Thái Bảo, làm chức Đốc Bộ ở Hoan Châu (Nghệ Tĩnh).

Năm 1285, giặc Nguyên Mông bành trướng thế lực xuống phía Nam. Trần Thái Bảo được lệnh đem quân chống giặc. Bà Châu Nương tự nguyện lo lắng việc chỉ huy quân phòng ngự bảo vệ kho tàng. Mặc dù giặc mấy lần tập kích song kho tàng vẫn được bảo vệ chu đáo và việc tiếp tế cho quân sĩ cũng được bà lo liệu đầy đủ. Cũng chính thời gian này, Châu Nương cải trang thành nam giới để đốc xuất tướng sĩ chống trả mãnh liệt, khiến cho quân địch bị hao binh tổn tướng. Do có công lớn, chồng bà được phong chức Tiền quân dực thánh bảo vệ nhà Vua, vợ phụ trách toàn bộ kho tàng của nhà nước.

Bên trong đền thờ Bà Chúa Kho

Trong cuộc xâm lược lần thứ ba của quân Nguyên Mông, Trần Thái Bảo chiến đấu dũng cảm và hy sinh. Vua tôi nhà Trần rút về Thiên Trường, Châu Nương ở lại lo việc cất giấu binh lương và không may sa vào tay giặc, bà đã quyên sinh để giữ tròn danh tiết. Khi giặc Nguyên bị quét sạch, nhà vua bình công khen thưởng đã truy tặng Châu Nương chức “Quản trưởng Quốc khố Công Chúa” (bà chúa giữ kho của quốc gia). Ở một số nơi trên cả nước, bà được người dân lập đền thờ cúng.

Tại chiến tuyến chống quân Nguyên Mông trên sông Nhật Đức (sông Thương), kho đụn được đặt ở phố Tiền Môn, Phủ Lạng Thương. Với nhiều công lao, sau khi bà mất, nhân dân nơi đây đã xây đền Phủ để tưởng nhớ công ơn.

Một thời gian dài ngôi đền được sử dụng vào mục đích khác nhau. Đến nay ngôi đền đã trở nên khang trang, tọa lạc trên diện tích gần 300m2. Thêm vào đó, do sự tự nguyện trao trả lại đất đền từ doanh nghiệp địa phương nên chính quyền nơi đây đang lên kế hoạch xây dựng mở rộng đền trên nền móng vốn có ngày xưa. Trong đền còn pho tượng chân dung Bà Chúa Kho, với 5 ban thờ bố trí hàng ngang theo mỗi gian, mỗi ban đều có tượng thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng lộng lẫy.

Ngoài hoành phi, câu đối, các ban đều có cửa võng ở ngoài bằng gỗ trạm khắc công phu. Đặc biệt trong đền hiện treo 2 bức tranh sơn dầu lớn khắc họa chân dung Bà Chúa Kho Lý Thị Châu.

Bức thứ nhất đặc tả hình ảnh bà trong bộ võ tướng hùng dũng uy nghi bên con chiến mã bạch tuyền, xa xa có đội quân nữ đang xung trận. Bên dưới có hai bài thơ chữ Hán ca ngợi việc bà giả trai ra trận cũng như công lao to lớn của bà. Bức thứ hai là hình ảnh thánh mẫu Châu Nương đã hóa, quảng đại thần thông, đã có phép phù linh cho hậu thế.

Lễ hội đền Phủ được tổ chức vào ngày 11 và 12 tháng Hai âm lịch. Đây được coi là ngày lễ tưởng nhớ đến ngày sinh của Bà Chúa. Ngoài ra, vào 20 tháng Bảy âm lịch, tại lễ hội, các món ẩm thực nổi tiếng như: Xôi vò, chè Mỹ Độ, bún bánh Đa Mai, bánh đa Kế… được người dân thi nhau hiến cúng và bày bán phục vụ du khách thập phương.

Bên trong đền thờ Bà Chúa Kho

Hàng năm để tưởng nhớ công ơn to lớn của Bà, nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ hội tại di tích đền Phủ. Đây được coi là ngày lễ tưởng nhớ đến ngày sinh của Bà Chúa. Lễ hội cũng là dịp để giáo dục các thế hệ con cháu lòng tự hào dân tộc, tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân những bậc tiền nhân đã hy sinh thân mình cho sự bình yên của đất nước.

Giống như nhiều ngôi chùa trên đất Việt “tiền phật hậu thánh”. Lễ vật dâng cúng cũng thật độc đáo, lễ phật cỗ chay – dâng thánh cỗ mặn. Tạo ra sự huyền bí thiêng liêng trong khói hương thờ cúng.

5/5 - (1 bình chọn)