NỘI DUNG TÓM TẮT
Đền Kỳ Sầm – Cao Bằng
Đền Kỳ Sầm thờ vị anh hùng Nùng Trí Cao nằm ở Bản Ngần, xã Vinh Quang huyện Hòa An, cách trung tâm thị xã Cao Bằng theo hướng Pắc Bó khoảng 5km. Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất nước ta gần 1000 năm tuổi. Đường đi vào đền Kỳ Sầm giờ đây được lát bê tông phẳng tắp và rộng hơn 3 m, xe có thể di chuyển dễ dàng. Hai bên đường, màu lúa đã ngả màu vàng dưới ánh mặt trời càng thêm lấp lánh, luồng gió lạnh mùa thu nhè nhẹ thổi thật dễ chịu xiết bao.
CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ VỀ NGƯỜI ANH HÙNG DÂN TỘC TÀY
Nùng Trí Cao sinh năm 1025, còn có tên là Kỳ Sầm, là con của thủ lĩnh địa phương Nùng Tồn Phúc và bà A Nùng. Vốn là người có trí óc thông minh, lại được về kinh đô Thăng Long theo học nên dù tuổi còn rất nhỏ, Kỳ Sầm đã có tài thao lược hơn người. Xuất thân trong một gia đình võ nghệ gia thế lại được dân nhân trong vùng tin tưởng nên Kỳ Sầm được xem là người dẫn dắt bản làng người Tày Nùng sau khi cha ông mất.
Vùng đất này được xem là mấu chốt quan trọng giữa nước Đại Việt và nhà Tống nên nhiều lần quân Tống muốn dụ dỗ Kỳ Sầm về phe mình chống lại nhà Lý của nước Đại Việt. Thế nhưng được vua Lý Thái Tông khuyên nhủ, Kỳ Sầm trở thành vị lãnh tụ của dân tộc Tày Nùng chiến đấu vì nước Đại Việt trước những lần xâm lược của quân thù.
Ông được vua Lý Thái Tông tin tưởng phong cho làm Thái Bảo trấn giữ vùng Quảng Nguyên, nhân dân vô cùng kính trọng ông. Vào năm 1055, trong một lần chống trả lại đội quân hùng hậu của nhà Tống sang xâm lược, binh lực của Kỳ Sầm bị thất thế, phải cầu viện quân Lý đến giải cứu. Song quân cứu viện chưa đến nơi thì vị anh hùng người Tày Nùng đã hy sinh trước mũi giáo quân thù.
Sau khi ông mất, vua Lý đã phong cho ông là Khâu Sầm Đại Vương. Những gì mà Kỳ Sầm để lại trong cuộc đời đã trở thành huyền thoại sống của người dân Tày Nùng xứ Cao Bằng. Vì vậy, để tưởng nhớ đến vị anh hùng lịch sử, nhân dân đã xây nên đền Kỳ Sầm để thờ ông, như một di tích tưởng nhớ đến muôn đời sau.
LỄ HỘI ĐẶC SẮC Ở ĐỀN KỲ SẦM
Lễ hội đền Kỳ Sầm diễn ra thường niên vào ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, đây là dịp để mọi người trong vùng du xuân, vãn cảnh chùa cũng như thắp hương tưởng nhớ đến vị lãnh tụ người Tày Nùng. Đối với du khách các nơi, đây là dịp để hòa mình vào một không gian vui chơi đặc sắc của miền núi vùng cao Đông Bắc.
Theo thông lệ, vào tối ngày mồng 9, người dân trong làng sẽ tổ chức lễ dâng hương đến vị anh hùng lịch sử Nùng Trí Cao vào lúc 12h đêm tại đền Kỳ Sầm. Các cụ cao niên có uy tín của địa phương sẽ thực hiện nghi thức này. Từ trang phục áo dài khăn đóng, đến tiếng trống, tiếng chiêng bắt đầu buổi lễ đều được diễn ra trong không khí trang nghiêm ở đền Kỳ Sầm. Thủ tục dâng trà, rót rượu cũng được tổ chức sang trọng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các bậc tiền nhân của dân tộc ta. Đây còn là buổi lễ mang tính tâm linh cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, nhân dân ấm no đầy đủ.
Sáng ngày mồng 10, từng dòng người đi trẩy hội nườm nượp từ khắp các vùng đến đền Kỳ Sầm để tham gia. Khói hương nghi ngút thể hiện lòng thành kính với vị anh hùng Nùng Trí Cao. Đồng thời, nó cũng mang những tâm nguyện của người đi cầu những mong ước sẽ được thành sự thật.
Tam quan điện được xem là cổng dẫn vào toàn bộ khuôn viên của đền Kỳ Sầm. Tam quan điện được xây sau đó một khoảng thời gian nhằm đảm bảo cho việc viếng thăm của du khách và tổ chức lễ hội diễn ra có quy củ hơn.
Từng bậc thềm bước lên gian chính của đền Kỳ Sầm ngả màu theo thời gian như gợi nhắc từng người đến đây về cội nguồn lịch sử oai hùng đã qua.
Đền gồm có 3 gian chính được xây theo lối nhà ngày xưa, rất đơn giản và ấm cúng. Bên ngoài đền Kỳ Sầm, màu ngói đã xỉn đen và đôi chỗ được phủ bằng một lớp rêu chứng tỏ được cơ số tuổi ngàn năm của mình. Phía trên đỉnh đền Kỳ Sầm có hình 2 con rồng đối xứng vào nhau, xung quanh là những hình khắc họa tiết trang trí.
Bên trong điện thờ cũng không có nhiều tượng hay vật dụng thờ giống như những ngôi đền, ngôi chùa được xây dựng sau này mà tôi vẫn hay thấy. Ngoài những chiếc đao, kiếm nép vào một góc đền Kỳ Sầm thì trên bàn thờ vị anh hùng cũng đơn giản từ bộ lư hương đến đồ dùng trang trí. Phải chăng nó cũng giản dị giống như con người trước đây của Nùng Trí Cao đã từng sống. Phải chăng tấm chân tình từ trái tim của mỗi người viếng thăm mới là quan trọng.
Bên hông, những bậc thang giản dị dẫn lối lên đền Kỳ Sầm có tấm biển ghi lại thân thế danh nhân Nùng Trí Cao để du khách thập phương có cơ hội được hiểu nhiều hơn vị anh hùng lịch sử này.
Tất cả hòa quyện vào cùng vô số những bóng cây nhỏ xung quanh khuôn viên đền Kỳ Sầm mang lại cho du khách cảm giác như lạc vào một làng quê yên bình xa xưa nơi chỉ có trong cổ tích.
Câu hát “Ơi Cao Bằng yêu thương! Ơi Cao Bằng yêu thương!…” cứ văng vẳng trong đầu làm bước chân của tôi chùng chình chẳng muốn rời xa. Khung cảnh bình yên miền sơn cước với những câu chuyện mà nếu như chưa từng đến, có lẽ tôi sẽ không bao giờ cảm nhận được hết vẻ đẹp trầm mặc nhưng lại rất đỗi uy nghiêm của đền Kỳ Sầm, nơi thờ vị anh hùng lịch sử dân tộc Tày – Nùng Trí Cao. Thêm một lần trở lại Cao Bằng, thêm một lần được mở mang tầm nhìn và kiến thức của mình với những trải nghiệm thật đặc biệt về Việt Nam, đất nước trong trái tim tôi.