Đền Vua Lê

Đền Vua Lê ở Làng Đền, Xã Hoàng Tung, Huyện Hòa An, Hoàng Tung, Hòa An, Cao Bằng.

Đền Vua Lê dựng trên một gò đất cao phía Bắc thành Na Lữ, gò này gọi là gò con Long (tức gò rồng) – trong thành có 4 gò đất nổi lên được các triều đại vua phong kiến đặt cho 4 tên: Long, Ly, Quy, Phượng. Theo truyền thuyết và những tư liệu lịch sử: Đền Vua Lê vốn là cung điện trong thành Na Lữ. Thành do Cao Biền nhà Đường xây dựng, sau Nùng Tồn Phúc (cha của Nùng Trí Cao) tiếp tục xây dựng từ thế kỷ XI. Nùng Tồn Phúc là thủ lĩnh châu Quảng Nguyên. Thời Lý Thái Tông niên hiệu Thông Thụy, năm thứ 6, tức năm 1039, tự xưng là Chiêu Thánh Hoàng đế đổi tên châu Quảng Nguyên làm nước Trường Sinh; rồi cho xây thành, xây cung điện tại Na Lữ.

Đền Vua Lê – Cao Bằng

Đền Vua Lê thờ vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi Cao Hoàng Đế) nằm trong quần thể di tích thành Na Lữ. Đền xây theo kiểu hình chữ tam gồm 3 nhà, 7 phòng, tường xây bằng gạch vồ, mái lợp ngói máng, cột kèo, hoành phi bằng gỗ. Trên các hoành phi có trạm trổ hình long, phượng. Cửa đền mở theo hướng Đông Nam thông ra bờ sông Mãng. Xung quanh đền xây tường thành dài 600m, trước mặt đền có hai sân rộng khoảng 1.000m2. Trước đây, trong đền có nhiều hiện vật như: trống, chiêng, thanh kiếm, áo bào, bia… hiện nay chỉ còn 2 lư hương bằng gang, 1 bia bằng đã khắc chữ Hán Nôm chìm ghi lại họ tên những người quyên góp tu sửa lại đền, 3 cây đèn thắp. Ngày 20/4/1995, đền Vua Lê được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, là nơi tập trung lễ hội, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của nhân dân trong vùng.

Người dân đến dự lễ hội đền Vua Lê

Đến nay, đền được trùng tu, khôi phục lại một số hiện vật, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Hội đền Vua Lê được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Ngoài phần lễ được tiến hành ngay từ sáng sớm dưới sự có mặt đông đảo nhân dân trong vùng, phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian: cờ tướng, cờ người, đẩy gậy, kéo co… thu hút đông đảo người dân tham gia.

Dâng hương đền Vua Lê

Đền Vua Lê là di tích có giá trị về mặt lịch sử giáo dục truyền thống đấu tranh chống quân xâm lược của nhân dân ta, đồng thời là di sản văn hóa nghệ thuật có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật của dân tộc. Di tích lịch sử đền Vua Lê khẳng định giá trị tinh hoa văn hóa, niềm tự hào về trang sử truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc nói chung và Cao Bằng nói riêng. Để phát huy giá trị của di tích, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, khai thác được địa phương chú trọng, đảm bảo tính khoa học. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện sự tri ân đối với cha ông và thế hệ đi trước. Năm 2014, được Nhà nước đầu tư, Đảng bộ, chính quyền xã Hoàng Tung (Hòa An) tuyên truyền, vận động, nhân dân hiến 400m2 đất giải phóng mặt bằng phục vụ công tác thi công tuyến đường vào Đền Vua Lê. Tuyến đường dài 1,6km, mặt đường rộng 5m; trong đó, lòng đường 3,5m đổ bê tông dày 0,2m; kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng.

Lễ hội có trò chơi bịt mắt đập bóng

Di tích lịch sử đền Vua Lê là món quà quý giá của ông cha để lại. Để tiếp tục phát huy giá trị di tích, cần có các biện pháp phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh cũng như địa phương; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của di tích. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo và khai thác di tích đúng cách, góp phần gìn giữ và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đất nước.

5/5 - (1 bình chọn)