Đệ Nhị Vương Cô (Vương Bà)

Đệ Nhị Vương Cô (Vương Bà) Đại Hoàng Công Chúa Trần Thị Tĩnh. Cô là con gái thứ của Hưng Đạo Đại Vương. Còn tương truyền rằng Vương Phu Nhân nằm mộng thấy vì sao sa xuống rồi lại thấy rồng ấp bên mình thì mang thai cô vào năm Bính Thìn. Cô tuy là con gái ruột của Đức Đại Vương và Vương Phu Nhân nhưng sau này lại phải đổi ra thành nghĩa nữ lấy hiệu Anh Nguyên (Thủy Tiên) Quận Chúa. Nên danh hiệu của cô là: Đệ Nhị Nữ Đại Hoàng Anh Nguyên Quận Chúa.

Đệ Nhị Vương Cô
Đệ Nhị Vương Cô

Sở dĩ vậy là có lí do: Hưng Đạo Vương rất quý mến Phạm Ngũ Lão, muốn gả cô cho Đức Ông họ Phạm, nhưng quy định của tôn thất nhà Trần là phải lấy người trong hoàng tộc, để bảo vệ ngai vàng. Vậy nên Đức Ông phải cho cô ra làm con nuôi, để khỏi phạm vào hoàng luật. Cô mang danh nghĩa tử của Hưng Đạo Vương, kết duyên cùng Phạm Ngũ Lão, trở thành Phạm Điện Súy Phu Nhân. Cũng có khi, cô còn thay quyền Hưng Đạo Vương, chấp chính ba quân, cô cũng không hề ngại gian nan, sát cánh cùng cha nơi chiến trường trong sự nghiệp vệ quốc thời Trần. Sử nhà Nguyên xưa cũng chép rằng: Công Chúa (tức chỉ Vương Cô) dáng thanh như ngọc da trắng như ngà, dáng đi khoan thai giọng nói dịu dàng nhưng khi ra trận thi uy dũng, nam nhi ít người sánh bằng.

Khi hầu về hàng Hội Đồng Trần Triều, giá Đệ Nhị Vương Cô hay được hầu nhất (vì cũng theo một số quan niệm, thì Đệ Nhị Vương Cô thường hay theo về bên Tứ Phủ, vậy nên những người hầu Trần Triều cùng với Tứ Phủ thường hay mở khăn giá Đệ Nhị Vương Cô). Khi ngự đồng cô thường mặc trang phục giống như Vương Cô Nhất nhưng không phải màu đỏ mà là màu vàng, tuy nhiên cũng do ảnh hưởng của Tứ Phủ, một số nơi hầu Vương Cô Đôi lại mặc màu xanh, và hiện giờ thì đa phần người ta thường dùng màu xanh, khi ngự, cô dắt một chiếc kiếm và cờ lệnh sau lưng, còn tay thì cũng cầm một kiếm một cờ lệnh.

Trong hàng Trần Triều, cô là giá thứ 3 có làm phép để trừ tinh tróc tà, khi hầu cô người ta thường làm một số phép như: xiên lình (nghĩa là lấy chiếc ngạnh nhọn bằng sắt trắng, xiên từ má này sang má kia, bên trong miệng phải có ngậm quả cau. Tuy nhiên hiện giờ cách xiên lình này không mấy người làm được mà nếu có người nào hầu về cô làm phép xiên lình thì thường chỉ dùng hai chiếc ngạnh, đêm vào hai bên má rồi xoắn lại cho nó chọc sâu vào má chứ không xiên từ bên này sang bên kia như lối cổ), ngoài ra còn có phép tiến lửa tróc tà (nghĩa là người hầu về cô đốt một bó hương rồi cho vào mồm ngậm tắt, vậy nên còn gọi là ăn lửa).

Cô cũng thường được thờ với Đức Đại Vương trong các đền phủ. Nhưng riêng ở Đền Kiếp Bạc và Đền Bảo Lộc, cô lại ngồi cận bên hữu của Đức Vương Phu Nhân. Ngày tiệc của Vương Cô Đôi là ngày 5/5 âm lịch.

Rate this post