Đền Sơn Hải

Đền Sơn Hải có tên chữ là “Sơn Hải linh từ”, hiện tại tọa lạc tại số 16, ngõ 53 đường Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Xưa kia, di tích gắn với địa danh thôn Cơ xá, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức.

Đền Sơn Hải
Đền Sơn Hải

Ngôi đền là nơi thờ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ở chính điện quy mô nhất Hà Nội. Tại bến Đông Bộ Đầu (xác định đầu là dốc Hàng Than và cuối là dốc Vạn Kiếp), Đức Thánh Trần năm 1284, đã tổ chức tập trận và công bố Hịch tướng sỹ, và cũng là nơi Trần Thái Tông, Thái tử Hoàng, Trần Hưng Đạo… cùng nhân dân Đại Việt tổ chức những trận đánh ác liệt nhất 3 lần giải phóng Thăng Long, ghi những dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc và nghệ thuật quân sự thế giới.

Lễ giỗ 712 năm ngày giỗ Đức Thánh Trần tại đền Sơn Hải
Lễ giỗ 712 năm ngày giỗ Đức Thánh Trần tại đền Sơn Hải

Để ghi nhớ công ơn của vị vương tài đức và sự hy sinh của bao dân làng Vạn An có công bảo vệ Tổ quốc, dân vạn chài sông Hồng đã suy tôn Đức Thánh Trần là Thành hoàng làng, lập đền thờ Ngài. Tuy nhiên do chiến tranh, thiên nhiên khắc nghiệt, người dân nhiều lần phải thờ Ngài bằng bài vị và một số di vật có kích thước nhỏ trên những chiếc thuyền đinh nay đây mai đó.

Lễ giỗ 712 năm ngày giỗ Đức Thánh Trần tại đền Sơn Hải
Lễ giỗ 712 năm ngày giỗ Đức Thánh Trần tại đền Sơn Hải

Đến thế kỷ XIX, dân vạn chài Cơ Xá rời thuyền lên bờ, sau khi ổn định cuộc sống, làng Vạn An đã quyên góp xây dựng đền thờ Ngài tại vị trí khu nhà gỗ Chương Dương và một phần một công ty thuộc Bộ NN&PTNT bây giờ, rộng trên 1.000m2, với nguyên mẫu giống đền thờ Đức Thánh Trần ở Nam Định.

Lễ giỗ 712 năm ngày giỗ Đức Thánh Trần tại đền Sơn Hải
Lễ giỗ 712 năm ngày giỗ Đức Thánh Trần tại đền Sơn Hải

Kháng chiến chống Pháp, ngôi đền là nơi trú ẩn và hoạt động bí mật của cán bộ Việt Minh nên bị Pháp phá hoại nặng nề, di vật có giá trị nhất của đền là quả chuông Pháp dùng làm kẻng trên cầu Long Biên, hiện được đặt ở đền Cây xanh phố Hàng Đậu. Năm 1969, dân làng lại quyên tiền dựng đền tại vị trí bãi sông ngày nay; năm 1984 thì xây gạch, lợp ngói, phục chế lại nhiều bức tượng, hoành phi, đồ thờ tự…

Lễ giỗ 712 năm ngày giỗ Đức Thánh Trần tại đền Sơn Hải
Lễ giỗ 712 năm ngày giỗ Đức Thánh Trần tại đền Sơn Hải

Qua thời gian, do nhiều nguyên nhân đặc biệt do tín ngưỡng văn hóa dân gian, nên trong đền còn thêm các ban thờ Tam tổ Trúc lâm, Phật, Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ chầu Bà, Quế Hoa và Quỳnh Hoa công chúa, chúa Sơn trang, Ông Hoàng Mười, Hoàng Bảy… thể hiện sự hỗn dung, hòa đồng tôn giáo, tín ngưỡng khá đa dạng, đặc sắc trong văn hóa tín ngưỡng người Việt; từ thời Nguyễn đã sắc phong đây là di tích lịch sử văn hóa, hàng năm các vua quan đều đến lễ. Dù vậy, đến nay Đền vẫn chưa được xếp hạng.

Rate this post