Đền Đức Hoàng
Đền Đức Hoàng thuộc xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh chừng 60km về phía Bắc.
Đền Đức Hoàng tọa lạc trên một vùng đất rộng, cao hướng ra “Linh đàm Diệu ốc” hương sen tỏa sắc bốn mùa. Với nhiều lần tu sửa trùng tu, nhưng đền vẫn giữ nguyên trạng thái di tích gốc, đảm bảo sự tôn kính thâm nghiêm. Sau đền là rừng cây cổ thụ nguyên sinh, cây xanh tỏa bóng ôm đền vào sự tĩnh lặng nên địa danh này được xem là một trong những cảnh đẹp nổi tiếng nhất nhì của tỉnh nhà Nghệ An. Đền được xây dựng để thờ vị tướng đã có nhiều chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, đền có 3 tòa gồm tòa thượng, trung và hạ điện, quy mô kiến trúc không lớn nhưng cổ kính, linh thiêng, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, đậm đà bản sắc văn hóa của vùng quê xứ Nghệ.
Theo sử sách xưa ghi lại rằng đền Đức Hoàng là công trình văn hóa, tâm linh, được nhân dân xây dựng vào năm 1505 để phụng thờ các vị thần linh đã có công “Bảo Quốc hộ dân”, mà nhân vật trung tâm đó là “Sát Hải Đại Vương” Hoàng Tá Thốn, một vị tướng có tài bơi lội và giỏi võ nghệ đã có nhiều cống hiến lớn lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ thứ XIII.
Lễ hội đền Đức Hoàng được tổ chức vào ngày 30/1-1/2 (âm lịch) hằng năm, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương đến tri ân, thăm viếng và trở thành lễ hội có quy mô cấp huyện, cấp tỉnh.
Về với lễ hội đền Đức Hoàng du khách như được thả mình trong không gian xanh, sinh thái, trước ban thờ thắp nén hương, như được trở về cố hương sống lại trong hoài cổ. Vào những ngày 28-29 tháng giêng 01 tháng 2 là ngày đại tế, lễ rước thần linh vi hành quanh hồ Diệu Ốc, cả một vùng trời lộng lẫy cờ lọng, trống chiêng cùng dòng người đông đúc đủ mọi lứa tuổi. Kiệu rồng rước bài vị của 14 dòng họ đại tôn trong vùng hòa mình tiến bước cùng kiệu thần Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn và các linh thần khác thờ tự tại đền Đức Hoàng vào hội.
Sau rước thần linh là lễ tân và đại tế, sự quy chuẩn và bài bản trong tế lễ thần linh tại đền, đã thành thông lệ chu tất, trang nghiêm, khoa học, mang tính triết lý xã hội phương Đông. Ngoài việc khôi phục các hoạt động truyền thống, dân gian của phần lễ và phần hội, lễ hội ngày nay còn tổ chức và thường xuyên đổi mới các hoạt động như liên hoan các câu lạc bộ tuồng, các câu lạc bộ dân ca Xứ Nghệ, hội diễn văn nghệ, cắm trại,…
Bên cạnh các trò chơi dân gian, các trò chơi hiện đại cũng được lồng ghép trong lễ hội với nhiều hình thức đa dạng, sắc màu; các hoạt động thể dục – thể thao như bóng chuyền Nam, Nữ, cầu lông, bóng bàn được tổ chức sôi nổi. Trong những năm đổi mới, đền Đức Hoàng được các cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhân dân công đức tu bổ tôn tạo, chống xuống cấp, khuôn viên di tích được quy hoạch và mở rộng.