Thần tích Đền thờ cô Đôi Thượng


( Núi Đầu Rồng, tiểu khu 3, thị trần Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình )

Cô Đôi thượng Ngàn: Danh xưng này có là vì do Cô đứng hàng thứ hai trong hệ thống thập nhị tiên nàng của Đạo Mẫu có công phù trì, hộ quốc cứu giúp muôn dân, dậy người dân tộc tiếng nói để giao lưu qua lại với nhau. Tiếng cô anh linh dạy khắp bốn phương, trải từ Đông Cuông, Tuần Quán tới phủ Nho Quan tỉnh Ninh Bình về tới huyện Cao Phong, châu Mai Đà, tỉnh Hưng Hóa (nay là tỉnh Hòa Bình) đều có đền thờ Cô. Nổi lên trên cả là hai ngôi đền thờ cô thuộc địa phận tỉnh Hưng Hóa (nay thuộc về địa giới xã Nho Quan, tỉnh Ninh Bình và huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) gắn với truyền thuyết sinh hóa của cô.

Dân gian tương truyền rằng cô Đôi Thượng vốn là con vua Đế Thích trên thiên cung, được phong là Sơn Tinh công chúa, cô thường hầu cận ba tòa vương Mẫu trên thiên đình, ngọc điện. Khi ấy Tại phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình có một vị quan lang họ Hà người Mường, ông nổi tiếng khắp vùng về nhân đức, phát tâm thiện nguyện, cứu giúp dân nghèo. Hai ông bà đã vào chạc ngũ tuần, nhưng vẫn chưa có một mụn con cho vui cửa vui nhà. Hai ông bà bèn lập đàn tế trời, cầu khẩn. Ngọc Hoàng trên thiên giới cảm cách mà nghe được những lời này mới sai cô xuống hạ giới, đầu thai làm con ông bà để thưởng cho cái đức độ, tiết tháo của ông. Mười hai tháng sau bà bẩm thụ thiên khí mà có thai, sinh ra cô. Khi cô sinh hạ có một đôi chim khách đến đậu trước cửa nhà cô mà hót mãi không thôi, như mừng đấng tiên nữ giáng sinh phàm trần. Năm cô lên bốn tuổi, gia định vị quan lang chuyển tới làm quan ở Huyện Cao Phong, châu Mai Đà, tỉnh Hưng Hóa. Ở trên vùng cao, nước sinh hoạt thiếu thốn, dưới chân núi Đầu Rồng lại có con suối nước thần, nước trong mát quanh năm, người dân ở đó thường ra suối gánh nước về dùng, cô cũng thường ra đó gánh nước về giúp đỡ ông bà.

Thời gian thấm thoát đã trôi qua, năm đó cô mười hai tuổi mà đã xinh đẹp tuyệt trần da trắng, tóc mượt, mặt tròn, lưng ong thon thả. Đức Mẫu Thượng Ngàn muốn thử lòng người trần gian, độ cho người có tâm, bèn hóa thành một bà lão đói khát, bệnh tật nằm lả ở gốc cây đa dưới chân núi Rồng. Bà nằm đó kêu rên từng tiếng khó nhọc, cầu mong sự giúp đỡ của mọi người qua lại, thế nhưng chẳng ai chịu ra tay cứu giúp bà. Đúng vừa lúc cô ra suối gánh nước thấy bà lão đáng thương, cô động lòng thương cảm bèn quỳ xuống vực bà ngồi dậy, cho bà uống nước. Bất chợt tự nhiên trời đất tối xầm, mây đen kéo tới, gió bụi cuốn lên mù mịt bà lão hiện thành Tiên Chúa Thượng Ngàn và nói với cô: “Ta là đức Diệu Tín Thiền Sư Lê Mại Đại Vương (tức Mẫu Thượng), thấy con là người ngoan ngoãn, hiền lành, đức độ. Kiếp trước con là tiên nữ trên tiên giới, nghe lệnh Ngọc Hoàng mà hạ phàm báo ân cha mẹ. Nay ta độ cho con thành tiên trở về bên hầu cận bên cạnh ta, để cứu giúp nhân gian”. Đoạn Thánh Mẫu rút cây gậy khắc đầu rồng bên mình ra trao cho cô. Cô nhận cây gậy rồi trở về nhà, bốn ngày sau thì hóa.

Sau khi cô hóa về với đức Thánh Mẫu Thượng Ngàn cô quyết tâm học phép cứu dân. Cô thường dong chơi khắp các miền sơn cước, đôi khi hiển hiện dạy cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếng nói để có thể giao lưu, trao đổi với nhau. Khi thanh nhàn cô thường ngự về cảnh sơn lâm đất Ninh Bình là nơi quê nhà, trong ba gian đền mát cô cùng các bạn tiên ca hát, ngâm thơ vui thú tháng ngày trên sườn dốc Bò. Cũng có khi cô biến ra người thiếu nữ vùng sơn cước xinh đẹp luận bàn văn chương với các bậc danh sĩ. Người đời truyền rằng cô rất giỏi thơ văn, cho nên biết bao kẻ sĩ mến phục, si mê cô. Cô Đôi cũng là người cai quản kho lộc của sơn trang, người đời ai nhất tâm thành kính thờ phụng cô, cô sẽ hiện ra ban tài phát lộc. Nhược bằng vô phép với cô, có nợ không trả cô sẽ bắt đền nặng hơn. Cô Đôi hay ngự đồng vì danh tiếng cô lẫy lừng trải khắp mười tám cửa rừng, nên ai ai cũng biết đến, người thờ phụng cô đông vô số và cô cũng hay chấm lính bắt đồng.

Trong đại lễ khai đàn mở phủ người ta thường mang vàng thoi dâng cô. Cô thường ngự đồng về đầu tiên, cũng là vị thánh nữ mở khăn hàng cô để chứng lễ. Khi về đồng cô mặc áo cánh xanh, quầy đen, đầu vấn khăn vành dây kết hoa. Khi hành lễ cô thường khai quang, rồi múa mồi, múa song đăng, tay tiên hái lộc cho thanh đồng.
Để tưởng nhớ công ơn của cô người đời lập đền Bồng Lai ở xã Nho Quan, tỉnh Ninh Bình thờ nơi cô giáng sinh trần gia. Còn ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình nhân dân lập đền thờ cô ở trong động Thiên Thai, khu vực núi Đầu Rồng bây giờ là nơi cô hội ngộ Thánh Mẫu Thượng Ngàn và cũng là nơi cô hóa. Lại còn một ngôi đền nữa vì người dân quan niệm rằng cô là tỳ nữ bên cạnh Mẫu Thượng Ngàn nên mới xây dựng đền thờ cô ở gần đền Đông Cuông (cách đền 500 mét).
Đền Bồng Lai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình thờ cô trước được xây dựng năm thứ hai niên hiệu
Thành Thái (tức là năm Canh Dần 1890). Tới nay trải qua bao thăng trầm, chiến tranh ngôi đền đã trở thành hoang phế không người cầu cúng.

Tới cuối những năm 80 của thế kỷ trước một số người dân quanh vùng có rước chân nhang trong đền về thờ, nhưng nền móng của ngôi đền xưa vẫn còn đó. Tháng 12 năm 2013 thành đồng Hải cùng các con nhang đệ tử cùng tín chủ gần xa đã gia tâm công đức xây lại ngôi đền thờ Cô và khánh thành vào này mùng 6 tháng 11 năm 2014 (âm lịch).

Rate this post