Hiện có 3 đền thờ Ngài là Đền Quan Hoàng Bơ tại Hàn Sơn, Thanh Hóa; Đền Hưng Long tại Thái Bình; Đền Vạn Ngang ở Đồ Sơn. Quan Hoàng Bơ cũng có nhiều dị bản về thần tích.

Mục lục bài viết

  • 1 Thần tích về Quan Hoàng Bơ liên quan đến đền Quan Hoàng Bơ – Phong Mục
  • 2 Thần tích Ông Hoàng Bơ Phủ liên quan đến đền Hưng Long – Thái Bình
  • 3 Thần tích Quan Hoàng Bơ ở Đền Vạn Ngang Đồ Sơn
  • 4 Thần tích ông Hoàng Bơ Thoải liên quan đến đền Cờn Ngoài
    • 4.1 Bình luận thêm của người viết:

Thần tích về Quan Hoàng Bơ liên quan đến đền Quan Hoàng Bơ – Phong Mục

Ông là con trai thứ ba hàng Tứ Phủ Ông Hoàng, con trai vua Long Vương Bát Hải Động Đình. Quan Hoàng Bơ thường ngự dưới tòa Thoải Cung, coi giữ việc trong Đền Vàng Thủy Phủ. Có khi ông biến trên mặt nước, hiện lên chân dung một vị Hoàng Tử có diện mạo phi phương, cưỡi cá chép vàng. Đôi lúc ông biến hiện, ngồi trên con thuyền, rong chơi khắp chốn, cùng các bạn tiên uống rượu, ngâm thơ, đàn hát, trông trăng, đánh cờ, hưởng thú vui của các bậc tao nhân mặc khách. Có điển tích nói rằng, Ông Bơ cũng là người em trai thân cận bên Quan Lớn Đệ Tam, khi thanh nhàn các ông thường ngự thuyền rồng, cùng dạo chơi khắp chốn, nhưng thấy cảnh dân chúng còn lầm than, vua cha sai ông lên khâm sai cõi trần, mở hội Phúc Duyên, giáng phúc cho dân, độ cho kẻ buôn bán làm ăn, người học hành đỗ đạt.

Thần tích Ông Hoàng Bơ Phủ liên quan đến đền Hưng Long – Thái Bình

Thần tích kể rằng: Làng Kênh Xuyên thưở xưa có hai vợ chồng lão ông Trần Thái Công và lão bà Đặng Thị hiền lành nhân đức đã luống tuổi mà chưa có con một đêm nằm mơ thấy một thánh nữ vô cùng xinh đẹp, uy nghi mặc áo trắng, đai ngọc lưu ly bế một bé trai kháu khỉnh ngự trồng vàng bay lên từ mặt nước. Thánh nữ xưng:
Ta là con gái Động đình Long Vương, Thủy Tinh Ngọc Dung Xích Lân Long Nữ Công Chúa thấy vợ chồng ngươi siêng năng làm phúc, chăm sóc đèn hương, nên cho Hoàng tử Long cung đầu thai làm con để lo báo hiếu, sau này sẽ cứu giúp dân lành nhiều phen.

Sau đó, bà mang thai và hạ sinh một bé trai khôi ngô, tuấn tú. Bé trai sau này lớn lên chỉ mộ về đạo Phật không màng chuyện hôn nhân phu phụ. Năm hăm hai tuổi Minh Đức lập một thảo am để hàng ngày nghiên cứu Phật Pháp. Sau khi Thái ông, Thái bà về tiên, thì Minh Đức cũng đi đâu không rõ. Thảo am trở nên nhang lạnh khói tàn, bỗng một đêm dân làng ai ai cũng đều mơ thấy có một vị hoàng tử khôi ngô tuấn tú đầu đội kim khôi, mình mặc áo trắng lưng giắt kiếm bạc, cưỡi trên đôi bạch xà hiện lên trên mặt biển nói rằng:
Ta là hoàng tử long cung, giáng sinh vào để tác phúc cho Thái ông, Thái bà nay hết hạn ta về thủy cung. Dân làng thời phải nên thờ phụng Thánh Mẫu Thủy Tinh cho nghiêm cẩn như xưa khi có nạn ắt ta đến cứu. Về sau sẽ âm phù cho đất đai rộng mãi.

Sáng dậy ai cũng thuật lại cho nhau giấc mơ y hệt, bèn cung kính sợ hãi mà cho rằng thảo am rất linh thiêng nên lập thêm long ngai bài vị Minh Đức Hoàng Bơ Thoải đại vương để phụng thờ, hương hỏa ngày đêm không dứt. Từ đó thảo am trở thành một ngôi đền thờ và Ngài trở thành Thành Hoàng của làng.

Đức Thành Hoàng sau này được triều Nguyễn sắc phong nhiều mỹ tự ” Đông Hải Minh Đức Đại Vương thượng đẳng thần.

Thần tích Quan Hoàng Bơ ở Đền Vạn Ngang Đồ Sơn

Vào năm niên hiệu Hoằng Định thứ 6 vào đêm ngày mồng 6 rạng ngày mồng 7 tháng 3 các bậc nho sinh bình văn đọc thơ bổng xuất hiện một vị nho sinh mặt mày khôi ngô tuấn tú mặc sắc phục trắng xưng danh là Đệ Tam Thái Tử cùng bình văn đọc thơ. Rạng ngày hôm sau thì không thấy vị nho sinh đâu nữa. Vì thế, người đời sau cứ mỗi độ xuân về lại tổ chức các cuộc bình văn đọc thơ để mong các bậc thần tiên giáng phàm. Cũng vì vậy, Đền Vạn Ngang Đồ Sơn đã lập thờ Quan Đệ Tam Thái tử tức Quan Hoàng Bơ là quan thủ đền.

Thần tích ông Hoàng Bơ Thoải liên quan đến đền Cờn Ngoài

Ngài hạ sinh vào thời Nam Bắc Tống phân tranh. Ngài tên là Tống Khắc Bính, là thái tử con vua Nam Tống  Sau khi nhà Nam Tống bị nhà Bắc Tống đánh bại, Ngài dong thuyền ra biển Đông và thác hóa. Thân y trôi vào cửa Cờn được ông Hoàng Chín lúc bấy giờ đang tu ở đó vớt lên chôn cất. Sau này Ngài phù các triều Lý, Trần lập nhiều chiến công hiển hách nên được nhân dân gọi là ông Hoàng Bơ Thoải.

Bình luận thêm của người viết:

– Trong các thần tích về Quan Hoàng Bơ ở trên chúng ta thấy: Đền Quan Hoàng Ba tại Hàn Sơn, nghe đâu mới xây dựng gần đây. Tuy đền có lưu truyền một thần tích, nhưng không có nhắc đến ngài xuất thân nơi đâu. Đền Hưng Công ở Thái Bình, tuy có thần tích khá rõ ràng về nơi giáng trần, nhưng Ngài lại được thờ như một Thành Hoàng làng. Riêng tại Đền Vạn Ngang có thần tích về sự hiển linh của Ngài.
– Đền Vạn Ngang và Đền Hưng Công có sắc phong của triều đình phong kiến, còn đền Quan Hoàng Ba tại Hàn Sơn không có sắc phong nào. Trên cơ sở trên có thể nói đền Vạn Ngang và đền Hưng Công được coi là đền chính với hai thần tích khác nhau. Nhưng nhiều người cho rằng đền Vạn Ngang – Đồ Sơn mới là đền chính vì nơi đây Ngài đã hiển linh giáng trần.
– Đền Cờn Ngoài, trước đây nhiều người cho rằng đây là nơi thờ của Quan Hoàng Bơ. Tuy nhiên, gần đây, Đền Cờn Ngoài đã được Trung tâm Nghiên cứu Tiềm Năng Con người xác định là nơi thờ Quan Hoàng Chín chứ không phải là thờ Quan Hoàng Bơ. Vì vậy, thần tích Quan Hoàng Bơ là Tống Đế Bính – vua Nam Tống cần phải xem xét.

 

Rate this post