Ông Hoàng Mười hay còn gọi là Ông Mười Nghệ An. Ông là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh ông giáng trần để giúp dân phù đời. Về thân thế của ông khi hạ phàm thì có rất nhiều dị bản.
Có tài liệu cho rằng Ông là hiện thân của Tướng Quân Nguyễn Xí. Có tài liệu cho rằng Ông là hiện thân của Tướng Lê Khôi, lại có một dị bản khác cho rằng ông chính là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai Vua Lý Thái Tổ.
Tín ngưỡng dân gian còn cho rằng, ông Hoàng Mười là hoá thân của các vị Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Duy Lặc, Nguyễn Duy Nhân và Nguyễn Xí. Đó là những nhân vật lịch sử có nhiều công trạng của xứ Nghệ.
NỘI DUNG TÓM TẮT
Thánh Ông Hoàng Mười là ai?
Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu văn hóa thì giả thuyết Ông Hoàng Mười chính là Nguyễn Xí (xuất thân tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An ngày nay) có sức nặng hơn cả. Bởi xét về lịch sử ngôi đền được xây dựng vào năm 1634, tức cùng thời của Nguyễn Xí. Hơn nữa, Nguyễn Xí lại là quan đại thần, là bậc Khai Quốc Công thần có công phò vua đánh tan giặc Minh xâm lược. Sau khi đánh tan giặc Minh xâm lược, ông được Lê Lợi phân công cai quản đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Nguyễn Xí là vị quan phò tá qua 4 đời vua Lê gồm: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Hiến Tông và Lê Túc Tông. Khi thiên hạ thái bình, ông lại cùng ăn, cùng ở với dân, giúp bách tính vượt qua khổ ải vươn đến phú quý, hưng thịnh. Xét trên công lao đó, dân chúng chí tôn ông là Thánh Hoàng Mười là điều hiển nhiên và dễ hiểu hơn.
Về thần tích Quan Hoàng Mười với hiện thân là tướng Lê Khôi và tướng Nguyễn Xí lại khá giống nhau.
Thần tích Quan Hoàng Mười với hiện thân là tướng Nguyễn Xí
Theo thần tích này, Ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Có một lần xảy ra cơn cuồng phong làm đổ hết nhà cửa, ông liền sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, rồi mở kho lương cứu tế. Trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, thì lại có đợt phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên sông Lam. Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời.
Thần tích Quan Hoàng Mười với hiện thân của Tướng Lê Khôi
Đây là thần tích được lưu truyền tại Đền Củi: Lê Khôi là một tướng quân rất giỏi của Lê Lợi. Lê Khôi là cháu gọi Lê Lợi bằng chú. Chuyện kể rằng khi ông đánh thắng giặc trở về thì một trận cuồng phong ập vào làm nhiều nhà dân vị đổ nát. Thương dân ông lại cùng binh sỹ lên ngàn chặt tre, gỗ đưa về giúp dân làm nhà. Một lần không may khi bè xuôi sông Lam về đến chân Hồng Lĩnh ở núi Ngũ Mã thì cuồng phong lại ập đến làm vỡ bè, ông gặp nạn. Quân sỹ và dân làng chưa kịp mai táng cho ông thì mối đã đùn đất lên thi hài ông thành mộ. Cảm phục và biết ơn ông, người dân đã lập đền thờ. Ông rất linh thiêng và thường hiển thánh cứu giúp muôn dân.
Đền thờ chính của Ông Hoàng Mười
Đền thờ Ông Hoàng Mười tại Nghệ An
Hiện có thể coi Ông có hai đền thờ chính là Đền Chợ Củi bên đất Hà Tĩnh và đền Hưng Nguyên bên đất Nghệ An.
Theo Trái tim Việt Nam Online thì Đền Củi trước đây là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Sau này sau khi tướng Lê Khôi mất, Ông Hoàng Mười mới được phối thờ vào đền:
” Trên mặt Tiền ở nhà hạ điện dài 9m, rộng 0,6m của ngôi đền có 4 chữ hán to: “Thánh mẫu linh từ”. Nghiên cứu các tài liệu thành văn và khảo sát thực địa, có thể khẳng định vị thần được thờ chính trong đền Củi là thánh mẫu Liễu Hạnh. Hiện nay chưa tìm được niên đại ra đời của đền Củi. Khi Lê Khôi đến trấn thủ ở Nghệ An đã thấy có ngôi đền này nhưng quy mô còn rất nhỏ và lợp tranh. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo đền mới được lợp ngói. Diện mạo ngôi đền Củi ngày nay, có phong cách kiến trúc đậm đà dấu ấn thời Nguyễn.
Để nhớ công ơn ông Lê Khôi, người đưa lại cuộc sống ấm no cho mình nên sau khi ông mất (1446), nhân dân lập bài vị ông đưa vào phối thờ ở đền. Trong đền Củi còn thờ cả Hưng Đạo đại Vương, nhân dân tôn kính gọi là Đức Thánh Trần”.
– Đền Hưng Nguyên hay còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ nằm ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đền được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê trên diện tích hơn 1 ha. Nhưng sau này trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi đền đã trở thành phế tích và hầu như không còn gì. Dân gian quanh vùng còn kể rằng năm 1986. Do mưa lũ do đền bên Mỏ Hạc bị hư hại nặng nên đã gửi đồ tế tự của Ông Mười sang đền Củi. Đến năm 1995, nhà nước mới bắt đầu cho xây dựng lại ngôi đền từ nền đất cũ.
– Nhân vật chính được thờ tại đền Hưng Nguyên là Thái uý Vị Quốc công Lê Khôi; Phúc Quận công; Thượng Tướng quân Nguyễn Duy Lạc.
– Điều rất quan trọng và đáng suy ngẫm là đền Ông Hoàng Mười Hưng Nguyên mới là đền lưu giữ đến 21 đạo sắc phong về Quan Hoàng Mười.
Như vậy, theo các sắc phong của các triều đại phong kiến thì đền Hưng Nguyên mới là đền chính của Ngài, còn theo tâm thức của người đời thì đền Củi là đền chính của Ngài.
Các đạo sắc phong thần được họ Nguyễn làng Xuân Am cất giữ. Có thể do trong số bốn vị thần được thờ ở đây có Ngài Nguyễn Duy Lạc. Ngài Nguyễn Duy Lạc cũng là một tướng tài của Lê Lợi.