Vào đầu năm 2009, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định công nhận di tích lịch sử tại địa điểm Chiến thắng Xương Giang tại thành Xương Giang là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 293/ QĐ-BVHTTDL ban bố vào ngày 22 tháng 01 năm 2009.

Vị trí: Thành cổ Xương Giang nằm ở xã Xương Giang của thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Xương Giang là tên ngôi thành cổ do quân Minh xây dựng từ thế kỷ thứ 15.
Các dấu tích còn lại cho biết thành được xây theo hình chữ nhật, chiều dài theo hướng Đông – Tây đo được là 600m, chiều rộng theo hướng Bắc – Nam là 450m, diện tích hơn 27ha, tường đắp đất cao và dầy, bốn góc đều có pháo đài, hào rộng bao bọc xung quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía Tây của thành. Đây là nơi diễn ra trận công thành của nghĩa quân Lam Sơn ngày 28/9/1427 và trận diệt viện oanh liệt diễn ra vào ngày 3/11/1427 mà Lê Quý Đôn từng đánh giá:Từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận đánh nào lớn như trận đánh này (theo Đại Việt thông sử ghi chép).

Chiến trận Xương Giang diễn ra cách đây đã 582 năm, nhưng âm hưởng của chiến thắng vẫn vang vọng và sẽ ngân vang xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đó chính là hào khí của Đại Việt, niềm tự hào của dân tộc ta nói chung, của quê hương Bắc Giang nói riêng.

Thành Xương Giang được coi như trung tâm của chiến trận Xương Giang và sau đó còn chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của quê hương đất nước theo từng thời kỳ phát triển suy thịnh, nhất là cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Hữu Cầu (Quận He) xảy ra vào nửa sau thế kỷ 18. Năm 1980, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Bắc đã ra Quyết định công nhận bảo vệ di tích thành Xương Giang.

Để kỷ niệm lịch sử chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn tại thành Xương Giang, hàng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội kéo dài trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7 tháng giêng.

Rate this post