Khi một người có mệnh đồng hoặc căn quả đã xuất thủ trình đồng khai căn thì gọi là thanh đồng. Thanh đồng chia ra hai loại

1. Thanh đồng là đồng hầu

Người ở trường hợp này thì chỉ có một vị Đầu đồng thủ mệnh, thanh đồng phải tuân thủ quy tắc:

  • Không mở phủ.
  • Không được cúng kính lễ bái cầu an, giải hạn, khất đồng, trình đồng cho người khác trong bất kỳ trường hợp nào.

Nếu vi phạm các điều trên thì bị phạt căn, sẽ chiêu tai ương họa hại cho bản thân và gia quyến, suốt đời không được yên ổn. Trong một số trường hợp đặc biệt thì thanh đồng là đồng hầu có thể được tôn lập bát hương Tứ Phủ Công Đồng tại gia nhưng đó không gọi là lập điện và trong trường hợp này bát hương bản mệnh của thanh đồng (vốn gửi ở bản điện đồng thầy hoặc thanh đồng đạo quan trong bản hội) không được mang về nhà thờ cúng tại gia. Phần lớn thanh đồng là đồng hầu đều có kinh tế khá giả, giàu có, sung túc, vừa có thể hầu việc thánh vừa làm được việc đường trần.

2. Thanh đồng là đồng soi căn – nối quả – gọi hồn.

Người ở trường hợp này thông thường có hai vị: Đầu đồng thủ mệnh và Đầu đồng quản mệnh.

  • Thanh đồng là đồng soi – bói thì phải mở phủ, nếu không mở phủ thì bị phạt căn (thân bại danh liệt, dở khùng dở điên, nhà tan nghiệp đổ). Soi căn ở đây là soi âm soi dương, bói cờ, bói bài….nhìn biết số phận, tương lai, vận hạn….( đây gọi là đồng bói).
  • Nối quả ở đây là cúng kính lễ bái; cầu tài; cầu an; giải hạn giải họa; …. (đây gọi là thầy pháp).
  • Gọi hồn ở đây là việc có khả năng tiếp nhận vong hồn áp nhập vào bản thân; vong mượn xác thân của đồng nhân truyền đạt nội dung tư tưởng cho thân nhân…( đây gọi là đồng dí) hoặc có thể giúp cho vong hồn áp nhập vào thân nhân người gọi vong ( áp vong hoặc cầu hồn)

Trường hợp này lại chia ra các khả năng như sau:

  • Thanh đồng chỉ là đồng soi căn: Vậy không được phép khất đồng, làm thủ tục trình đồng sang khăn áo cho người mệnh đồng, không được cúng kính lễ bái như thầy pháp.
  • Thanh đồng là đồng nối quả: Vậy được phép khất đồng; làm thủ tục trình đồng sang khăn áo cho người mệnh đồng ở ghế của đầu đồng bản mệnh thấp hơn. ( Ví dụ dễ hiểu; đồng thầy căn ông Hoàng Mười có thể làm lễ khất đồng; trình đồng cho người mệnh đồng căn Cô; Cậu; nhưng không làm được cho người đồng căn ông Hoàng Mười).
  • Thanh đồng là đồng gọi hồn (giống trường hợp  thanh đồng chỉ là đồng soi căn).

Tuy nhiên có thanh đồng là đồng thầy kiêm cả ba việc soi căn – nối quả – gọi hồn hoặc kiêm hai việc soi căn – nối quả hoặc nối quả – gọi hồn.

Trường hợp đặc biệt: Thanh đồng là đồng nối quả, hoặc kiêm cả ba việc soi căn – nối quả, gọi hồn được Bề trên cấp lệnh – cấp sắc thì có thể làm được nhiều việc. Dù đồng thầy mệnh căn hàng Cô – Cậu vẫn có thể làm lễ khất đồng, trình đồng cho người mệnh căn hàng đồng căn (ngang hàng) hoặc cao hơn nữa như hàng Chầu, hàng Quan lớn…

Tuy nhiên việc nhận biết ai là người được cấp lệnh – cấp sắc rất khó xác định, chỉ những người có khả năng đặc biệt mới nhìn thấy được. Bởi vậy hiện nay việc khất đồng và trình đồng vẫn dựa trên những tiêu chí như đã nêu trên và chỉ người có mệnh căn hàng trên mới làm thủ tục lễ bái cúng kính cho người có mệnh căn hàng dưới thấp hơn. Không được làm cho người mệnh đồng căn (cùng hàng) hoặc mệnh căn cao hơn.

Phần lớn thanh đồng là đồng soi căn – nối quả đều phải trải qua những giai đoạn cuộc sống thăng trầm, khó khăn, vất vả. Đạo hạnh càng cao thì càng gian lao khổ ải. Kinh tế thường chỉ bậc trung (tự bản thân).

5/5 - (1 bình chọn)