Đền Kiếp Bạc thuộc phường Tân Quang (thành phố Tuyên Quang), nằm bên bờ sông Lô ở thế địa linh, đầu tựa sơn, chân đạp thủy, phong cảnh hữu tình, tạo cho đền vẻ thanh tao. Đền được xây dựng cuối thế kỷ 19, thờ phụng Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm Nguyên Mông. Đền được xây dựng theo thuyết phong thủy “Tiền minh đường, hữu hậu chẩm”, lấy dòng Lô uốn khúc làm tiền minh đường là nơi tụ thủy, tụ phúc, những mong làm ăn phát đạt, dân khang, vật thịnh lại lấy ngọn La Sơn làm hậu chẩm tạo thế vững chắc. Hiện đền còn lưu giữ được một số di vật có giá trị như 2 quả chuông đồng, 13 pho tượng thờ, 4 đạo sắc phong của các triều vua, 2 bức hoành phi, 2 đôi chân đèn, đôi câu đối và bộ bát bửu. Năm 2007, đền Kiếp Bạc được tiến hành trùng tu, tôn tạo, trở thành công trình văn hóa tiêu biểu, là nơi thu hút khách thập phương đến tham quan.
Trong khuôn viên đền Kiếp Bạc, qua khoảng sân hẹp là tới tòa tiền đường với kiến trúc ba gian kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói móc, trên bờ nóc có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, tòa tiền đường là nơi thờ ba vị trong hệ thống thờ tượng của Đạo giáo Việt Nam (Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu). Tòa hậu cung được nối với tiền đường bởi hai cửa ở chính giữa cạnh ban thờ Ngọc Hoàng thượng đế. Tòa hậu cung là vị trí trung tâm của đền Kiếp Bạc, bên trong có treo bức hoành phi sơn son thiếp bạc bằng gỗ, hai bên có treo hai câu đối chữ Hán bằng gỗ ca ngợi Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn. Tượng của Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn được đặt ở vị trí trung tâm và trang trọng nhất cảu toàn hậu cung, tượng được đặt trong một khám thờ lớn bằng gỗ, được sơn son thếp vàng. Ngoài hệ thống tượng thờ, tòa hậu cung còn treo một quả chuông nhỏ thời Nguyễn.
Tượng Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn trong khuôn viên Đền Kiếp Bạc
Có thể nói đền Kiếp Bạc là sự hỗn dung của văn hóa Việt Nam, nơi tiếp nhận nhiều tín ngưỡng mang tính bản địa: Là sự kết hợp giữa Đạo giáo, Đạo thờ mẫu Việt Nam và đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – thể hiện đạo lý “uống nước nhớ ngồn” đã in đậm trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt.
Từ bao đời nay ngôi đền Kiếp Bạc đã gắn bó với lịch sử vùng đất Tuyên Quang. Những người dân nơi đây đã bằng công sức và trí tuệ của mình xây dựng nên những giá trị tinh thần và vật chất cho miền sơn cước Tuyên Quang. Đó là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân thành Tuyên trải qua bao thế hệ. Đền đã đáp ứng và thỏa mãn được nhu cầu tâm linh của người dân miền sơn cước, thể hiện khát vọng ngần đời của cư dân nông nghiệp lúa nước nhờ vào siêu lực của Đức Thánh Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn mà ban cho cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cuộc sống hạnh phúc no đủ.
Một buổi Khai Ấn tại đền Kiếp Bạc – Tuyên Quang
Từ khi khởi dựng đến nay, trải qua bao biến thiên của lịch sử cùng sự tác động của điều kiện tự nhiên nên kiến trúc khởi nguyên của ngôi đền đã bị thay đổi nhiều nhưng bằng niềm ngưỡng vọng và thành kính đối với Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn, người dân địa phương cùng các khách thập phương đã công đức để trùng tu tôn tạo cho ngôi đền và bảo quản tốt những di vật của đền. Đặc biệt vào năm 2002 chính quyền cùng nhân dân tiến hành kè đá và hàng rào bảo vệ sinh quanh làm cho cảnh quan của di tích đền Kiếp Bạc ngày thêm khang trang sạch đẹp hơn.