Toạ lạc bên bờ tả ngạn sông Hồng thuộc địa phận phố Bách Lẫm, phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái), đền Tuần Quán từ lâu không chỉ được biết đến là điểm cúng lễ cầu an của tín đồ phật tử thập phương mà còn được xem như một trong những điểm đến không thể thiếu trong hành trình tâm linh cầu tài cầu lộc của du khách gần xa trong những dịp đầu xuân. Theo tích xưa, Đền thuộc tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, tỉnh Hưng Hoá, nay thuộc phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái.

Đền Tuần Quán - Yên Bái
Đền Tuần Quán – Yên Bái

Đền Tuần Quán nằm trong quần thể di tích lịch sử của thành phố Yên Bái, đây là một ngôi đền cổ có từ thế kỷ XIV thời nhà Lê. Ngôi đền đã có nhiều trăm năm tồn tại trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân địa phương gắn liền với lịch sử Yên Bái, năm 1721 nhà Lê đặt Quán Tuần.

Trong “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn xuất bản dưới triều Lê năm 1777 có ghi địa danh Tuần Quán, nơi đây là mốc để tính các lộ đường xuôi ngược. Các triều đại phong kiến như hậu Lê, triều Nguyễn đều có sắc phong của Vua cho đền. Năm 1930, những nghĩa quân của Việt Nam Quốc dân đảng do lãnh tụ Nguyễn Thái Học lãnh đạo đã lấy đây làm nơi trú quân trước khi tiến hành cuộc khởi nghĩa rạng sáng ngày 10/2.

Đền Tuần Quán còn có tên gọi khác là Đền thần Diệp phu nhân Bách Lẫm. Lịch sử ghi lại: Đền có từ thời Lê Trung Hưng, đầu thế kỷ 15. Đền thờ mẫu Liễu Hạnh, tương truyền bà chính là Quỳnh Hoa công chúa giáng trần, vì đã có công hộ quốc tý dân nên được vua Lê Hiển Tông ban sắc phong là Đức chúa quốc Mẫu Hoàng Ân Phương Dung.

Hình ảnh Lễ hội vào dịp Tết tại đền Tuần Quán
Hình ảnh Lễ hội vào dịp Tết tại đền Tuần Quán

Hàng năm, để tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ đến công lao của Mẫu Liễu Hạnh (vị thần cao nhất ở đền Tuần Quán), từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 6 tháng 3 (âm lịch), đền Tuần Quán lại tổ chức lễ hội giỗ Mẫu. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của đền, thu hút hàng ngàn du khách từ khắp nơi đổ về trảy hội. Sau phần lễ dâng hương, phần hội có các hoạt động văn hoá, thể thao, các trò chơi dân gian sôi nổi, hấp dẫn như: cờ tướng, cờ vua, chọi gà, đánh vật, kéo co, đẩy gậy, làm bánh dày, hát chầu văn, hát chèo, thi thơ… Thông qua những hình thức sinh hoạt văn hoá mang đậm màu sắc dân gian nói trên đã tạo cho ngày hội thêm sống động và thực sự trở thành nơi giao lưu văn hoá có ý nghĩa.

Rate this post