Đền Thượng

Đền Thượng ở thị xã Bắc Ninh, thờ Bà Quý Minh.

Nhiều di vật được tìm thấy như rìu đá, bôn đá, bàn mài đá cùng một số vòng trang sức bằng đá. Các di chỉ này được xác định thuộc văn hóa Đông Sơn, niên đại cách đây khoảng 3.000 năm. Việc phát hiện và khai quật di chỉ thùng Lò cho thấy ngay từ thời Hùng Vương, cư dân Lạc Việt cổ sinh cơ lập nghiệp vùng này đã biết chế tác nhiều công cụ để khai khẩn đất đai trồng lúa nước.

Tam quan Đền Thượng

Vào ngày hội xuân xứ Kinh Bắc, nơi đây lại ngân vang tiếng hát quan họ trữ tình. Các chàng trai, cô gái chọn lời văn, câu hát mượt mà như dòng sông, bến nước, mái đình bên dòng Tiêu Tương êm ả, thuyền bè ngược xuôi. Tương truyền vào cuối triều nhà Lý, bà Lý Huệ Nương – con một vị vương hầu trên đường về quê đến bến Lái thuộc Ma Ổ trang thì dừng chân rồi sinh hạ một bé gái đặt tên là Quý Minh.

Tượng bà Quý Minh

Thời gian giặc Nguyên xâm lăng, bà Huệ Nương cùng con gái Quý Minh đứng ra chiêu binh, tuyển mộ hơn một nghìn người đến bãi chợ Âm dương ngày đêm luyện tập. Gần ngày xuất chinh đánh giặc, các cô gái làng Ó nhắn gửi, động viên binh sỹ bằng những câu quan họ “Sao cho sáng tỏ đất trời, xứng danh người Việt sáng ngời núi sông. Xua tan mờ mịt đêm đông, để vui ngày hội, nắng hồng mùa xuân”.

Cây đa làng Xuân Ổ, nơi diễn ra phiên chợ Âm – Dương chỉ họp duy nhất mỗi năm một lần vào đêm mùng 4 rạng mùng 5 Tết Nguyên Đán

Ngày xuất quân, bà Quý Minh triệu tập binh sỹ đến đình Trung quân (nay là đình làng Ó) rồi phối hợp với quân triều đình tiến đánh quân giặc. Tướng giặc do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy rút lui theo đường thuỷ đã bị nghĩa quân của bà Quý Minh chặn đánh ở Đông Bộ Đầu. Ghi nhận công lao này, bà Quý Minh được triều đình phong tặng “Đại thần đề nhất phu nhân”, hưởng thực ấp tại Tiên Du. Để khao thưởng quân sỹ, làng Ó mở hội trong cả tháng Giêng. Từ đêm mùng Bốn, lễ hội chợ Âm Dương được mở. Anh hai, chị ba quan họ đến hội ca hát, hòa cùng thân nhân tìm về chợ âm dương hai cõi để mong gặp người thân.

Giếng Hống trong khu di tích đền Thượng

Trong cuộc vui quân, ngày mùng 8 tháng Giêng, bà Quý Minh cho viết bài “Mục lục quải văn” căn dặn tướng sỹ và dân làng trong bốn nghiệp: “Giáo dưỡng hiền nhân cho hậu thế; Tăng túc sản sinh, muôn vật tu chí điền nông; Luyện rèn bách nghệ tinh thông; Mở mang thương xuất giao thông thị trường”. Bà cũng không quên đạo hiếu làm con khi lập một ngôi chùa với tên chữ Hồng Phúc Tự ngay trên phần đất nhà mình để ghi nhờ công ơn của đấng sinh thành dưỡng dục. Ngôi chùa này đến giờ vẫn được cư dân làng Ó bảo tồn và gìn giữ.

Bảng ghi Sự tích Bà Quý Minh trong đền Thượng

Khi bà Quý Minh mất, dân làng lập đền ngay trên bãi luyện quân để ngày đêm hương khói. Trong đền còn lưu giữ nhiều di vật cổ, đặc biệt là hai câu đối: “Hồng vân nhất đóa di hương tại; Bạch mã thiên niên thắng tích truyền”. Đến thời Lê Trung Hưng, người dân làng Ó đã xây dựng ba ngôi đền là Chính, Tả, Hữu. Chùa Hồng Phúc được xây từ năm 1259 thời Trần, đến năm 1594 thời Lê xây thêm gác chuông cùng hai dải hành lang tựa thế nội công, ngoại quốc. Trải qua những thăng trầm lịch sử, nhiều di tích đã bị hư hỏng, song Chùa Hồng Phúc làng Ó vẫn được bảo tồn gìn giữ.

Bằng công nhận di tích Lịch sử – Văn Hóa

Là một làng nghề nổi tiếng với hàng tơ lụa một thời, người làng Ó tự hào về một vị nữ tướng cùng biết bao anh hùng, tử sỹ với những chiến công hiển hách chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước cho giang sơn mãi mãi bình yên. Và chính linh hồn của các chiến binh đã hun đúc lên phiên chợ Âm dương huyền thoại, in đậm trong ký ức bao thế hệ. Ghi nhận những huyền tích này, năm 1989, cụm di tích đình, đền, chùa làng Ó được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

5/5 - (1 bình chọn)