Đền Dẻ Đoóng

Đền Dẻ Đoóng hay còn gọi là đền Giang Động, thuộc làng Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt (Hòa An). Đền được nhân dân lập lên từ xa xưa để thờ thần sông, thờ đá, sau này thờ thêm phật và thờ mẫu.

Đền Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt

Tương truyền: Ngày xưa có một chàng trai nghèo làm nghề đánh cá, chàng là người có hiếu với cha mẹ. Đến ngày giỗ cha, chàng đi quăng chài với hy vọng sẽ được một mẻ cá để về làm giỗ nhưng quăng mãi mà không được con cá nào. Lúc nào kéo chài lên cũng chỉ được một hòn đá hình hai người, chàng chắp tay cầu khấn: “Nếu là thần thánh, xin cho một mẻ cá về giỗ cha”. Sau lời khấn, chàng đã quăng chài được một mẻ cá đầy. Thấy lời khấn của mình có hiển linh, chàng trai đem hòn đá về lập miếu thờ ở Vò Ban. Vào một đêm mưa to, gió lớn, miếu thờ bị tốc mái, một gắp gianh bay sang đồi Riệt Rì, từ đó nhân dân đã dựng miếu thờ tại đấy. Nhưng tại nơi đấy xa dân cư, đường đi lại khó khăn, diện tích chật hẹp không đáp ứng được nhu cầu tế lễ của nhân dân nên nhân dân trong vùng đã dựng ngôi đền tại làng Dẻ Đoóng và đưa hòn đá thần ở miếu vào đền để thờ.

Du khách dâng hương cầu lộc, cầu tài

Đến thế kỷ XV, tù trưởng Bế Khắc Thiệu hô hào dân chúng quyên góp xây dựng đền khang trang hơn. Thời kỳ nhà Mạc đóng đô ở Cao Bằng (1593-1677) đã cho quân sản xuất gạch ngói để xây dựng thành quách, cung điện, đền chùa, đền Dẻ Đoóng cũng được tu sửa lại.

Năm 1677, sau khi dẹp xong nhà Mạc, để có nơi tụng kinh, niệm phật, cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vua Lê đã cho sửa sang lại đền Dẻ Đoóng để làm nơi thờ phật và thờ thánh mẫu.

Chơi cờ tướng tại lễ hội

Đền Dẻ Đoóng còn là nơi diễn ra lễ tuyên bố và chào mừng việc thành lập UBND lâm thời tỉnh Cao Bằng (ngày 15/6/1945).

Năm 2008, đền Dẻ Đoóng được UBND tỉnh công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Rất đông du khách đến xin quẻ, cầu tài lộc đầu năm

Lễ hội Đền Dẻ Đoóng được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch.

5/5 - (1 bình chọn)