Mục lục bài viết

  • 1 Chúa Thác Bờ – Hòa Bình
    • 1.1 Sự tích
    • 1.2 Thờ cúng
    • 1.3 Chúa Thác Bờ trong hầu đồng
    • 1.4 Gốc tích 2 đền Chúa Thác Bờ tại Thác Bờ
    • 1.5 Có phải một đền thờ chúa Thác Bờ một đền thờ Cô Bé Thác Bờ hay mỗi đền thờ một Chúa Thác Bờ hay không?
    • 1.6 Đâu là đền thờ chính của Chúa Thác Bờ?
    • 1.7 Chúa Thác Bờ có nằm trong Tứ Phủ không?
    • 1.8 Bản văn Chúa Thác Bờ

Chúa Thác Bờ – Hòa Bình

 

Sự tích

Bà vốn là người Mường, sinh quán ở đất Hòa Bình dưới thời nhà Lê (có người nói là thời Trần). Chúa Thác Bờ tên thật là Đinh Thị Vân, con gái một gia đình tộc trưởng người Mường ở Kim Bôi, Hòa Bình. Chúa xưa vốn là tiên nữ, giáng sinh vào nhà họ Đinh, sau này, đất nước gặp cơn loạn lạc, bà đã tập hợp dân Mường liên kết với các dân tộc khác ở vùng đất Hòa Bình, đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Sau khi đã đánh đuổi được bọn ngoại xâm, bà được triều đình giao cho cai quản vùng đất Mường ở Hòa Bình. Tại đây bà giúp dân ổn định cuộc sống, dạy nhân dân lên rẫy làm nương, xuống sông Đà thả lưới đánh bắt cá (tương truyền Chúa Thác còn là người giúp dân trị thủy, chế ngự con sông Đà cuồn cuộn sóng hung dữ). Khi thanh nhàn, chúa lại một mình trên chiếc thuyền độc mộc, chèo từ Bến Ngọc, Sông Đà đi du ngoạn khắp các thắng cảnh.

Chúa Thác Bờ
Chúa Thác Bờ

Thờ cúng

Chúa được thờ ở rất nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất vẫn là đền Chúa Thác tại thung Nai Đà Bắc và đền Chúa Thác Bờ tại Vầy Nưa, Đà Bắc.

Chúa Thác Bờ trong hầu đồng

Chúa Thác Bờ rất hay ngự về đồng, thông thường Chúa Thác thường hay ngự về sau Chầu Đệ Tam (vậy nên có người lại gọi là Chầu Thác Bờ nhưng đôi khi có người lại hầu Chúa Thác sau Chúa Mường Đệ Tam Lâm Thao hoặc hầu chúa sau Chầu Bé Thượng), nhưng Chúa Thác Bờ thường hay ngự về hơn Chầu Đệ Tam và có khi người ta không thỉnh Chầu Đệ Tam mà thỉnh luôn chúa về chứng tòa Sơn Trang màu trắng rồi thả cá phóng sinh trong đại lễ khai đàn mở phủ. Chúa ngự về đồng thường mặc áo trắng, quầy đen, đai xanh, bên hông có xà tích bạc, chúa về khai cuông rồi một tay cầm chèo, một tay cầm mồi, bẻ lái dạo chơi trên sông Đà.

Đền Chúa Thác Bờ là địa danh thắng cảnh hàng năm được rất đông du khách đến chiêm bái, được lập ở thị xã Hòa Bình, ngay trên hòn đảo giữa dòng sông Đà, ngoài ra còn có một nơi còn lưu lại thánh tích rõ ràng nhất của Chúa Thác Bờ là Động Tiên_nằm sừng sững giữa dòng sông Đà cuộn sóng. Từ các địa danh này đi tới nhà máy thủy điện Hòa Bình rất gần và đều phải đi bằng ca nô mới tới được. Ngày tiệc của Chúa Thác Bờ là ngày 1/4 âm lịch (có người nói là 12/4 âm lịch).

Gốc tích 2 đền Chúa Thác Bờ tại Thác Bờ

Trước đây tại xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc có một ngôi miếu và một ngôi đền đều thờ Chúa Thác Bờ. Ngôi miếu và ngôi đền đều có một Thủ nhang riêng. Khi nhà nước đắp đập thủy điện Hòa Bình, thủ nhanh ngôi miếu đưa miếu lên đất Thung Nai, Cao Phong và phát triển thành Đền Chúa Thác Bờ Thung Nai, còn thủ nhanh đền cổ đưa đền lên đất Vầy Nưa, Đà Bắc và trở thành Đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa.

Đây chính là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm. Căn cứ sự nghiên cứu về lịch sử và di vật Đền Thung Nai và Đền Vầy Nưa thì Sở VHTT Hòa Bình đã xác định Đền Vầy Nưa là xuất phát từ ngôi đền cổ tại xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc xưa kia. Hiện đền Vầy Nưa còn có 2 bức tượng cổ về hai bà Chúa Thác Bờ và cái chuông cổ có trước đây mấy trăm năm là di vật của ngôi đền cổ. Mặt khác, cả hai bà chúa đều được sinh ra tại xóm Mó Né, Vầy Nưa, Đà Bắc. Như vậy Đền Vầy Nưa không chỉ là được xuất phát từ đền cổ mà còn chính là quê sinh của cả hai bà Chúa.

Có phải một đền thờ chúa Thác Bờ một đền thờ Cô Bé Thác Bờ hay mỗi đền thờ một Chúa Thác Bờ hay không?

Cả hai ngôi đền đều thờ Chúa Thác Bờ chứ không phải Đền Thung Nai thờ Chúa Thác Bờ còn đền Vầy Nưa thờ Cô bé Thác Bờ như mọi người lầm tưởng. Ngoài ra, có người cho rằng Đền Thung Nai là thờ bà chúa người Dao, còn bên Đền Vầy Nưa thờ bà chúa người Mường. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm, lệch lạc. Bà Chúa Thác Bờ là sự hóa thân của cả hai bà người Dao và bà người Mường chứa không tách bạch là hiện thân của riêng bà nào. Ý kiến mỗi đền thờ một bà là trái với sắc phong của vua Lê Lợi và phá hoại tình cảm bền chặt lâu đời của cộng đồng người Dao, người Mường nơi đây.

Đâu là đền thờ chính của Chúa Thác Bờ?

Theo nghiên cứu của Sở VHTT Hòa Bình trên cơ sở lịch sử và các di vật còn lưu (Tượng cổ của Chúa Thác Bờ và chuông cổ)  thì đã xác định Đền Vầy Nưa là xuất phát từ ngôi đền cổ. Nhờ đó đền Vầy Nưa đã được công nhận là di tích lịch sử và nhà nước đứng ra quản lý. Hiện đã có dự án trùng tư Đền Vầy Nưa. Như vậy, Đền Vầy Nưa là nơi thờ chính của Chúa Thác Bờ.

Chúa Thác Bờ có nằm trong Tứ Phủ không?

Chúa Thác Bờ không nằm trong hệ thống Tứ Phủ nhưng được phối thờ trong hệ thống Tứ Phủ và được coi như một phần của hệ thống Tứ Phủ.

Bản văn Chúa Thác Bờ

“Vầng nhật nguyệt đêm ngày soi tỏ

Cảnh Thác Bờ rực rỡ càn khôn

Lô xô đá mọc đầu nguồn

Khen ai khéo tạc thác luồng chơi vơi

Cảnh Thác Bờ là nơi thánh tích

Lập đền thờ thanh lịch xiết bao

Sông Đà nước chảy rì rào

Sau đền đá mọc thấp cao mấy tầng

Cảnh thanh tân thiều quang soi tỏ

Chúa Thác Bờ tiên nữ giáng sinh

Họ Mường áo trắng đai xanh

Lưng đeo xà tích bên mình dao quai

Đôi mắt phượng hoa cài trâm giắt

Vầng trán xinh vẻ mặt càng tươi

Môi son nở đoá hoa cười

Thanh tân lịch sự nét ngời thu ba

Tóc rườm rà rẽ đôi cánh phượng

Nét cong cong uốn lượn đường tơ

Xing xinh để liễu thẫn thờ

Người xinh thời cảnh Thác Bờ thêm tươi

Thú hữu tình rong chơi các ngả

Bước ngao du khắp cả non cao

Mường Bi, Mường Nậm, phố Sào

Chồng Mâm, Yên Lịch lại vào Kim Bôi

Chiếc thuyền rồng chèo chơi bến ngọc

Dọc sông Đà dạo khắp suối khe

Hang Miếng, Suối Rút chèo về

Ngược xuôi xuôi ngược thuyền về động tiên

Khắp mọi miền kêu cầu vọng bái

Ai lỗi lầm chúa đoái lòng thương

Dù ai căn số dở dương

Lòng thành thắp một tuần hương kêu cầu

Đã nhất tâm tất cầu kêu ứng

Độ cho người phúc đẳng hà sa

Ai mà vận hạn khó qua

Đến kêu Chúa Thác chúa bà cứu cho

Chúa cứu cho người tai qua nạn khỏi

Chúa cứu người khỏi cõi trầm luân

Nước tiên tẩy sạch bụi trần

Thanh tao rồi lại mười phần thanh cao

Chữ cương thường treo cao trên giá ngọc

Chứ tam tòng tứ đức khuyên ghi

Đệ tử khấn vái tâu quỳ

Thác Bờ công chúa độ trì chứng minh

Thác Bờ nổi tiếng Anh linh”

Rate this post