Trong dân gian nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng người ta hay đề cập tới căn đồng và những người có căn đồng.
Vậy thực chất, căn đồng là gì?
Và người có căn là gì?
Liệu có phải như dân gian đồn thổi, họ là những người được thánh thần ban phước, lựa chọn để hô mưa gọi gió hay không? Biểu hiện nào cho thấy một người có căn đồng?
Thanh đồng Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1991, nữ y tá tại bệnh viện Gia Lộc, Hải Dương. Cô gái này tới với nhà thánh trước hết là từ chữ “duyên” sau đó là “phúc” và theo cô, cơ bản là do bản thân cô là người có căn đồng.
Một số quan điểm cho rằng, hiểu theo đúng nghĩa của từ thì “căn” là gốc rễ, nguyên nhân, căn nguyên của một sự vật, hiện tượng nào đó còn “đồng” mang nghĩa là sự trong sáng, ngây thơ, như một đứa trẻ không tì vết. Lại có tài liệu chỉ ra rằng “đồng” ở đây là viết tắt của từ “công đồng” nghĩa là ám chỉ triều phục của các quan trong nghi lễ chứ không liên quan tới “nhi đồng”. Cũng từ những khái niệm này mà trong dân gian có nhiều cách lý giải khác nhau.
Một số người cho rằng, người có căn đồng là những người có nghiệp duyên, nghiệp chướng hay dễ hiểu hơn là mang trong mình những tội lỗi đã gây ra từ kiếp trước hoặc kiếp này. Tới khi vận đến, những người này phải chịu hậu quả, phải đón nhận kết quả xấu do chính mình tạo ra, phải chịu kiếp khổ sở. Những người đó may mắn được các Thánh đức đoái thương, cứu vớt và chấm chọn để thay mặt Thánh làm việc cứu độ thế gian, ban phúc, làm việc thiện bằng nhiều cách để chuộc lại lỗi lầm của bản thân cũng như có cơ hội an nhiên, thanh thản sau khi thoát sinh. Và chính vì vậy những người có căn đồng giống như một đứa trẻ được các Thánh dẫn dắt đi theo lí trí, lẽ phải, được thanh tẩy tâm hồn, thể xác, biến đổi cuộc sống, chuộc lại lỗi lầm.
Theo tín ngưỡng thờ Mẫu (còn gọi là đạo Mẫu hay đạo Thánh Tứ phủ) người có căn đồng là người sinh ra ở dương thế nhưng có số hệ thiên cung, mệnh càn bóng quế hay là con của cửa Tứ phủ công đồng. Cũng giống như quan niệm của dân gian, tín ngưỡng thờ Tứ phủ cho rằng, người có căn đồng là người được các Thánh chấm, tùy theo căn số của từng người mà sẽ được Thánh bắt đi lính hầu đồng hay không.
Người có căn đồng thực chất là người có năng lực cảm thụ tâm linh lớn. Họ có thể xuất thân từ nhiều thành phần trong xã hội và có chung một số những biểu hiện nhất định như cuộc sống thường gặp nhiều trắc trở, luôn có cảm giác mình có người che chở, bảo vệ, có cảm xúc đặc biệt khi tham dự những buổi hầu đồng hay các nghi lễ liên quan.
Những người có căn đồng thường có những biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào mức độ căn số của từng người nặng hay nhẹ nhưng hầu hết là những người có cảm thụ tâm linh lớn. Một số những biểu hiện thường thấy ở người có căn đồng như sau:
- Người có căn đồng đôi khi có ảo giác, nằm mơ thấy đức Mẹ hoặc Tiên Thánh thần, có cảm giác có Thánh thần bên cạnh mình, ủng hộ và che chở cho bản thân.
- Người có căn đồng khi tham gia các buổi hầu đồng, hầu Thánh, họ thường thấy tâm hồn lâng lâng, bay bổng, tinh thần phấn chấn và cảm nhận được sự đồng cảm qua những lời hát văn, lời tấu, lời thỉnh. Ở mức độ nặng hơn, họ có những hành động, cử chỉ và lời nói trong vô thức. Mặc dù vẫn nhận biết rõ mọi vật xung quanh nhưng không tự chủ được. Cái này còn gọi là sát căn, nghĩa là khả năng hấp thu tâm linh lớn.
- Một số người có căn đồng bị hành khiến cho gia đình bất an, tán gia bại sản. Cuộc sống xảy ra nhiều chuyện bất hòa, lao đao. Bản thân luôn bất an, ngày đêm lo lắng mà không rõ nguyên do, chỉ luôn thấy cảm giác bất ổn thường trực và lo sợ chuyện không hay xảy đến với mình.
- Có người nghiệp duyên nặng nề dẫn tới tâm hồn hoảng loạn, có thể bị điên, ăn nói lung tung, hay nói chuyện Thánh thần nhưng đôi lúc lại hoàn toàn bình thường.
- Có những căn đồng bị hành bệnh, giống như giả vờ, khi đưa đi chữa trị thì lại bình thường như không hề có chuyện gì xảy ra.
- Có những người không bị hành bệnh, không có biểu hiện gì khác thường nhưng trong thâm tâm lại cảm thấy không ổn, nôn nao, bồn chồn không rõ nguyên nhân, luôn có lực nào đó thúc đẩy họ đến cầu Mẫu, xin Thánh thần.
Một cảnh trong nghi lễ hầu đồng giá Ông Hoàng Mười được tái hiện trong vở diễn Tứ Phủ của đạo diễn Việt Tú và Nhà Hát Việt với diễn viên Kim Liên và hai hầu dâng tại Rạp Công Nhân, 42 Tràng Tiền, Hà Nội.
Người có căn đồng có cuộc sống đời thường rất đa dạng, xuất thân từ nhiều thành phần xã hội nhưng đều trải qua thời gian bị hành mới biết đến Thánh đức của mình. Chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa hiện tượng khách quan tự nhiên và người có căn số đang trong giai đoạn hành. Ngoài ra, ta cần phải hiểu rằng, người có căn đồng không chỉ đơn giản là nhận lộc Thánh, truyền lệnh Thánh hay hô mưa, gọi gió. Họ cũng phải trải qua nhiều kiếp nạn, phải chịu thử thách để tìm đến con đường chính đạo. Khi xác định được như vậy thì mới không hiểu sai về quan niệm căn đồng và không làm cho tín ngưỡng thờ Mẫu bị biến tướng theo hướng mê tín dị đoan.