Quyết định của UNESCO công nhận Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nêu rõ hồ sơ đáp ứng các tiêu chuẩn để được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại. Quyết định cũng nêu cụ thể: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng.Việc ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần vào việc công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở nhiều nước khác, qua đó khuyến khích cộng đồng vừa thừa nhận sự tương đồng, đồng thời tạo điều kiện cho sự thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa.
Ông Phạm Cao Phong, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam bày tỏ niềm vui và tự hào: « Việc thế giới công nhận di sản này đánh giá cao tính nhân văn của các dân tộc ở Việt Nam là tục lệ thờ cúng tổ tiên. Đây như là một biểu tượng khuyến khích các dân tộc cũng có hành vi tương tự như vậy. Và một điểm nữa là tín ngưỡng này thể hiện tính đoàn kết của các cộng đồng. Trong tiếp xúc với chúng tôi bên lề cuộc họp, tất cả các đại biểu đều đánh giá cao tính nhân văn của hồ sơ này của chúng ta ».
Phát biểu trước Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 sau khi hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận, ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: « Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam về lịch sử, văn hoá và tâm linh bởi lẽ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ ngàn đời nay là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần để dân tộc chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển…»
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN thường trú tại Pháp, ông Hoàng Dân Mạc cho biết: « Trước mắt, chúng tôi phải tổ chức tốt Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng năm 2013 và về lâu dài, sẽ xây dựng một chương trình hành động báo cáo Chính phủ thông qua với một số nội dung chính trong đó thứ nhất là tuyên truyền quảng bá tín ngưỡng với bạn bè quốc tế, thứ hai kiểm kê đánh giá các di tích đền thờ Vua Hùng để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo nơi thờ tự và thứ ba rà soát lại trình tự thủ tục nghi lễ thờ cúng Vua Hùng để tạo sự thống nhất trong cả nước và thứ tư, di sản phi vật thể phải gắn với di sản vật thể và chúng tôi sẽ báo cáo chính phủ để trùng tu di tích đền Hùng để gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương».
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng cam kết với Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 rằng: Việt Nam sẽ làm hết sức mình thực hiện nghiêm túc Công ước 2003 để cùng với Cộng đồng trao truyền, thực hành, giáo dục thế hệ trẻ bảo vệ và phát huy giá trị di sản này để di sản mãi trường tồn cùng dân tộc xứng đáng là di sản văn hoá phi vật thể Đại diện của Nhân loại.
Với quyết định của UNESCO, từ nay Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã trở thành tài sản văn hoá của nhân loại. Đúng như nhiều lãnh đạo và chuyên gia về di sản của Việt Nam đã khẳng định, việc công nhận chỉ là bước đầu, chặng đường tiếp theo còn dài với nhiều việc chúng ta phải làm để phát huy và thúc đẩy các giá trị của di sản với chính người dân Việt nam, bảo tồn một cách đúng khoa học để di sản còn tồn tại mãi với những giá trị nguyên gốc của nó và thứ ba là quảng bá những giá trị di sản quý giá đó với bạn bè thế giới.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc và đoàn kết dân tộc; đồng thời khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên. Chính những giá trị tiêu biểu đó giúp hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vượt qua vòng xét duyệt khó khăn, trở thành 1 trong 17 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện mới của thế giới.
Để hiểu rõ hơn về điều này, PV Đài TNVN thường trú tại Pháp phỏng vấn Đại sứ Dương Văn Quảng – Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO.
PV: Thưa Đại sứ! Như vậy là UNESCO đã quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Thế giới. Là người trực tiếp tham gia vào quá trình trình và chỉnh sửa hồ sơ để thuyết phục các chuyên gia của UNESCO cũng như trực tiếp có mặt trong giây phút hồ sơ được công nhận, Đại sứ có cảm nhận như thế nào?
Đ.S Dương Văn Quảng: Đây là một tin vui, một vinh dự đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng. Niềm vui này đối với tỉnh Phú Thọ còn tăng lên gấp đôi vì năm 2011, Hát xoan của tỉnh Phú Thọ cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận thể hiện sự đánh giá cao của Thế giới đối với đời sống tâm linh của con người Việt Nam, đặc biệt, thể hiện qua sự thờ cúng tổ tiên. Các thế hệ Vua Hùng đã lập nên nước Việt Nam chúng ta và chúng ta coi Vua Hùng là tổ tiên chúng ta và chúng ta có ngày Quốc giỗ.
Trong bối cảnh hiện nay, hồ sơ này được công nhận đã chứng tỏ sức sống của văn hóa Việt Nam, và nó cũng chứng tỏ rằng văn hóa Việt Nam có khả năng hội nhập thế giới nói chung và vào nền văn hóa thế giới nói riêng.
PV: Có thể nói, phong tục thờ cúng tổ tiên không được thực hiện tại nhiều nước, đặc biệt là các nước phương Tây. Vậy trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, chúng ta có gặp nhiều khó khăn để làm bật những giá trị của di sản và thuyết phục các chuyên gia quốc tế của UNESCO hay không?
Đ.S Dương Văn Quảng: Đôi khi chúng ta không có nhận thức hết, chưa hình dung được nhất là văn hóa phi vật thể. Ví dụ tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng là di sản văn hóa chứ không phải là di tích. Trong thờ cúng, có những phần chúng ta nhìn được, đó là những công trình để thờ cúng, ví dụ Đền Hùng là Di tích. Nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mới là di sản.
Khi viết hồ sơ phải làm sao để chuyên gia có thể đọc và hiểu đây là di sản trong khi những chuyên gia đó không phải là người áp dụng thờ cúng, dân tộc họ không áp dụng phong tục thờ cúng tổ tiên. Ta phải đi dưới góc độ không nhìn thấy, sờ thấy nhưng cảm được giá trị của nó.
Qua quá trình chuẩn bị, trình các chuyên gia xem xét hồ sơ, tôi thấy chúng ta cần chú đến một số vấn đề sau: trước hết cần xác định được đâu là các di sản văn hóa phi vật thể thực sự có giá trị. Khi xác định được rồi phải xây dựng hồ sơ đáp ứng được những tiêu chí do Công ước 2003 đặt ra, đặc biệt Văn bản hướng dẫn Công ước được thông qua năm 2011, về cách lập hồ sơ. Những hồ sơ sau này trình lên muốn được công nhận phải xây dựng chu đáo, đầy đủ về chuyên môn, thủ tục, tài liệu để chứng thực đây thực sự là di sản văn hóa phi vật thể.
PV: Xin Đại sứ cho biết trong thời gian tới Việt Nam sẽ có những hồ sơ nào trình UNESCO xem xét?
Đ.S Dương Văn Quảng: Nền văn hóa của Việt Nam có rất nhiều sản phẩm văn hóa, những phong tục, tập quán, công trình văn hóa. Văn hóa phi vật thể không chỉ có hát, nhạc mà cả phong tục, lối sống, cách thức ăn mặc. Chúng ta không thể làm ồ ạt. Mỗi kỳ họp, chỉ xác định số lượng nhất định các hồ sơ được xét duyệt. Việt Nam là một trong những nước có khá nhiều hồ sơ đã được xét duyệt thì không được nằm trong dạng ưu tiên.
Người ta cũng cố gắng đảm bảo mỗi nước có một hồ sơ được xét duyệt trong năm đó. Điều quan trọng là Bộ văn hóa cũng như các tỉnh cần xác định đâu là những công trình văn hóa có giá trị, là di sản văn hóa phi vật thể. Trên cơ sở đó, chúng ta phải có lộ trình, chương trình để xây dựng hồ sơ.
Năm tới, Việt Nam có hồ sơ “Đờn ca tài tử” đã được trình lên Ban thư ký của Công ước 2003, nhưng theo quy định mới, hồ sơ này phải trình lại mới đủ và đúng các thủ tục./.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ./.