Trong đạo Mẫu, bản văn Chầu thường được dùng trong các nghi lễ hầu đồng. Mỗi vị Thánh Mẫu có một bản văn Chầu khác nhau.

Bản văn là một tác phẩm văn học nghệ thuật

Văn chầu sử dụng nhiều thể thơ trong đó thể thơ lục bát và song thất lục bát thể thơ đậm hồn dân tộc được sử dụng phổ biến hơn cả. Đọc phần bản văn ta thấy được sự trau chuốt ngôn từ, đảm bảo về vần luật và ý nghĩa nội dung. Bên cạnh đó các nghệ thuật văn học như sử dụng điển cố, điển tích, nghệ thuật đối xứng, nhân hóa, cách điệu.

Ví dụ điển cố: Văn Mẫu Liễu Hạnh, trích đoạn miều tả nỗi niềm xót xa khi xa lìa con thơ.

​Ai làm cho ngó lìa tơ,
Hiềm đâu Mẫu để con thơ ấu trùng.
Phận cưỡi rồng trăm năm ước mãn,
Bỗng vui chung để đoạn sầu tây.​

Các điển cố:
+ Ngó lìa tơ  – ngó là mầm của một số cây như ngó sen, hiện tượng khi ngó bị đứt đoạn vẫy còn tơ vương ở 2 đầu nói nên tình cảm quyến lyến, xa mặt chẳng cách lòng. Cụ thể là nỗi niềm của Thánh Mẫu với con thơ.
+ Phận cưỡi rồng – Chỉ việc lấy được chồng tốt,điển cố Hoàng Hiếu (có sách nói Hoàng Thương) và Lý Ưng là 2 danh sĩ đời Hậu Hán, đều lấy con gái Thái úy Hoàn Yên. Người đương thời bảo rằng 2 cô con gái họ Hoàn được cưỡi rồng (Thừa Long).
+ Trăm năm: nói về một kiếp người, sự mơ ước sống trọn đời của vợ chồng.
+ Sầu tây (riêng): nghệ thuật đối vui chung >< sầu tây. (Một số hát sai thành Phật cưỡi rồng, sầu mây).
Việc hát sai, nghe và hiểu sai đương rất phổ biến, việc khắc phục đương rất cần thiết.

Bản văn mang tính lịch sử và hiện thực, văn hóa vùng miền…

Bản văn chầu dù ra đời trong hoàn cảnh nào cũng vẫn giữ được nghệ thuật cảm ứng với nội dung bản văn. Sự tích chư thánh dù mang tính huyền thoại nhưng vẫn giữ vững tính chất phù hợp với lịch sử cũng như văn hóa vùng miền (Ví dụ khi nghe văn chầu bát thấy được, khi nghe văn ông bảy, văn nói về các chầu miền thượng tả cảnh núi rừng, tập quán người dân tộc thiểu số, nói về chầu thoải thời tả cảnh sông nước, dân thuyền chài).

Ví dụ: văn Hoàng Bảy

Năm Cảnh Hưng hậu Lê lưu tích
Giặc Bắc phương đạo nghịch bất dung
Quan Bảy Hoàng đội lệnh tiên phong
Khởi binh dẹp loạn lên công hàng đầu
Vùng Quy Hóa ai hầu dễ biết
Châu Văn Bàn lập địa thành sơn
Gió mưa trăm trận chẳng sờn
Mưu cao kế hiểm biết hơn liệu đường.​

Bản văn thuật lại tích sử về nhân vật lịch sử Đức Hoàng Bảy đền Bảo Hà, một vị anh hùng có công đánh giặc năm Cảnh Hưng, thời Hậu Lê, tại Châu Văn Bàn, Quy Hóa, Lao Cai.Bản văn như một trang sử vàng của dân tộc ca ngợi các anh hùng cứu nước hộ dân. Nhiều bản văn nói về các anh hùng lịch sử như Đức Thánh Trần, Chúa Bát Nàn… cũng mang tính lịch sử cao.

Bên cạnh các bản văn chầu phù hợp với thần tích, chính sử còn lưu lại các bản văn có sự sai lệch. Văn Chúa Nguyệt Hồ vị nữ thần địa phương thờ tại Phố Kép, Bắc Giang.
Theo thần tích do ban quản lý di tích tỉnh Bắc Giang công bố, bà chúa Nguyệt Hồ là Nguyệt Nga công chúa con của Cao Sơn đại vương. Cao sơn quý minh có công giúp Hùng Vương (Hùng duệ vương thứ 18) sau thế giặc mạnh nhị vị đại vương đã hóa, công chúa con ngài đã tuẫn tiết sau vùng huyết hồ lập đền thờ ( đền nguyệt nga công chúa và huyết hồ tương quan với danh nguyệt hồ). Theo bản văn lưu truyền Chúa Nguyệt Hồ mồ côi cha mẹ từ nhỏ sau học phép bói của quỷ cốc tử để giúp dân, tích này có 1 vài điểm bất hợp lý như: nhiều đoạn văn nói Chúa Nguyệt sinh dưới thời Lê thái tổ bất hợp lý với Quỷ Cốc Tử sinh thời xuân thu chiến quốc. Trái lệch với thần tích. Điều này cần sự thống nhất hợp lý.

Bản văn thể hiện nghệ thuật tâm linh

Bản văn thể hiện sâu đậm sự huyền bí, linh thiêng của tín ngưỡng. Kể như tính công bình của thần linh, ai ở hiền thì trời phật sẽ giúp, ai ở ác thì sẽ bị trừng phạt. Bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố tâm linh thái quá tạo sự mê tín dị đoan.

Ví dụ:

Đêm đêm gác tía võng đào
Cây xanh mắc võng cành cao cợt cười
Quở ai trong dạ bồi hồi
Ruột gan nóng sốt như sôi như bào
Đặt mình là thấy chiêm bao
Đã hay đao ốm lại hao tốn tiền
Biết ra thời nhẹ như tên
Nếu mà không biết như thuyền bỏ neo
Quở cho trăm chứng hiểm nghèo
Khi thời lội nước lúc trèo lên cây…

Đêm đêm gác tía võng đào
Cây xanh mắc võng cành cao độ người
Thương ai bệnh hạn rã rời
Ruột gan nóng sốt như sôi như bào
Đặt mình là thấy chiêm bao
Bởi chưng tam nghiệp vận vào sắc thân
Thương ai có phúc cho phần
Thay quyền thiên địa cầm cân thăng bằng​

=> Cần sự gạn đục khơi trong, loại bỏ yếu tố mê tín quá mức.

Bản văn mang tính mở

Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng mở nên các bản văn chầu cũng mang tính mở, có sự thay đổi thêm bớt các bản văn. Ví dụ văn cô nhất vân đình, cô nhất núi Dùm v.v.v nhiều bản văn Cô Bé.
Bản văn được lưu truyền qua văn bản và truyền miệng => dị bản sai khác.

Bản văn và âm nhạc không nên tách rời

– Nội dung bản văn có tính chất chỉ đạo âm nhạc. Ví dụ như cùng một làn điệu nhưng bản văn chầu có nội dung ca ngợi chiến công lịch sử thì nghệ nhân thể hiện mang tính hào hùng bi tráng, bản văn nói về Cô Bé thể hiện tính chất vui tươi. Ví dụ như điệu cờn hát ở văn cô chín sẽ khác với cờn trong văn cô bơ. Xá trong văn chầu bát và xá trong văn chầu bé.
– Trong văn hầu thánh có sự linh động: lấy bản văn này để hát giá đồng khác.
– Nhiều bản văn không được hát=> sự ngủ quên.
– Bản văn có thể coi như thơ, văn vần để đại đa số độc giả có thể đọc và tìm hiểu

Công tác bảo tồn hát Chầu văn

– Bảo tồn âm nhạc, sự giáo dục về cách chơi nhạc cụ trong hát văn, học các làn điệu ….

– Bảo tồn về phần bản văn:
+ Cần sớm có các công trình khảo cứu để tìm được chính bản so với các dị bản không phù hợp, chú thích các điển cố điển tích để làm sống lại nghệ thuật văn học trong bản văn, loại bỏ các yếu phần phi nghệ thuật. Ngoài giảng dạy về âm nhạc làn điệu cần có giảng dạy về nội dung bản văn, công khai giới thiệu các bản văn cổ truyền đặc biệt là các bản có chú nghĩa, giải thích.
+ Hiệu chỉnh biên soạn các bản văn phù hợp thống nhất với các tư liệu lịch sử, thần tích, truyền miệng…
+ Loại bỏ các yếu tố mê tín quá mức

– Bảo tồn các hình thức diễn xướng của hát văn: hát văn thờ, hát văn thi, hát văn hầu đồng, hát văn cửa đền.

Rate this post