Cũng như bao vùng quê ở Bắc Bộ, nghi lễ Chầu văn ở Hà Nam gắn liền với tín ngưỡng thờ mẫu Tam tòa (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải) và Tứ phủ (Thiên phủ – cõi trời; Địa phủ – cõi đất; Thoải phủ – cõi sông nước; Nhạc phủ – cõi rừng núi). Hà Nam, về phía Nam gần kề với Phủ Dầy (Nam Định) nơi được cho là xuất xứ của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh; về phía Bắc là cửa ngõ Thăng Long – Hà Nội, nơi phủ Tây Hồ – tín ngưỡng văn hóa Mẫu Liễu Hạnh phát triển lên đỉnh cao nên sớm tiếp xúc và tiếp thu nghi lễ Chầu văn.
Kể từ năm 1945 trở lại đây, ở Hà Nam đã có một thời gian khá dài, nghi lễ Chầu văn bị phai nhạt. Từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, theo Nghị quyết Trung ương V về: “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, “Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tín ngưỡng văn hóa, trong đó có nghi lễ Chầu văn ở các di tích thờ Mẫu tam tòa, Tứ phủ dần được phục hưng. Đến nay, nghi lễ Chầu văn đã phát triển khá sâu rộng ở mỗi địa phương. Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nghi lễ Chầu văn năm 2012, tỉnh Hà Nam có 185 di tích kiến trúc của cộng đồng làng, xã thờ các nhân vật trong hệ thống thần linh của Tam tòa, Tứ phủ, trong đó 5 di tích đã được nhà nước xếp hạng (04 di tích cấp quốc gia, 01 di tích cấp tỉnh). Phân chia theo loại hình thì có 151 điện mẫu (theo dân gian thường gọi là phủ mẫu nằm trong khuôn viên chùa), 27 đền, 07 miếu. Nét độc đáo của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hà Nam, ngoài các đền, miếu, điện còn có nhiều ngôi đình làng thờ Mẫu Liễu Hạnh, tiêu biểu như: đình Nội Rối, xã Bắc Lý, đình Đức Bản Ngoại, xã Nhân Nghĩa (huyện Lý Nhân); đình thôn Cát, thôn Điền, xã An Nội (huyện Bình Lục); đình thôn Giáp Ngũ, xã Bạch Thượng, đình Thôn Minh, thôn Trung, xã Tiên Ngoại (huyện Duy Tiên). Bên cạnh các đền, điện mẫu của làng xã thì các điện mẫu tư gia của ông đồng, bà đồng cũng phát triển khá mạnh. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 35 điện tư gia, được xây dựng từ sau năm 1945 trở lại đây. Hầu hết các ngôi chùa ở Hà Nam đều có điện thờ Mẫu. Trong đó, điện thần cũng có cách thức phối tự như các ngôi đền, điện gắn với 2 dạng thức thờ: Điện Mẫu công đồng ở các làng xã chủ yếu là thờ tượng. Điện Mẫu riêng của tư gia, chủ thể là các ông đồng, bà đồng, chủ yếu thờ tranh (tranh vẽ theo lối tranh thờ, phố Hàng Trống – Hà Nội).
Từ số lượng di tích phân bố nêu trên và qua khảo sát vị trí các di tích, ta có thể thấy rằng di tích thờ Mẫu được phân bố khá đồng đều ở các huyện, thành phố, hầu như làng nào cũng có điện, đền thờ mẫu liên quan các nhân vật thờ trong hệ thống thần linh Tam toà, Tứ phủ và có hoạt động diễn xướng liên quan đến nghi lễ Chầu văn.
Ở Hà Nam, Nghi lễ Chầu văn tại các đền, điện diễn ra nhiều dịp trong một năm, cụ thể như: Hầu xông đền (sau lễ giao thừa năm mới); Lễ Hầu Thượng Nguyên (vào tháng Giêng); Hầu nhập Hạ (tháng Tư); Lễ hầu Tán hạ (tháng Bẩy); Lễ hầu tất niên (tháng Chạp). Trong một năm thường có hai lễ hầu quan trọng nhất là vào tháng Ba và tháng Tám (ngày giỗ cha và giỗ mẹ). Tức là tháng Ba ngày giỗ của Thánh Mẫu và tháng Tám là ngày giỗ của vua cha Bát Hải, Đức Thánh Trần. Gần đây do nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, mà nghi lễ này không cố định vào dịp nào nữa mà rải đều trong năm.
Hiện tại ở tỉnh có ba trung tâm chính thường xuyên diễn ra nghi lễ Chầu văn là đền Lảnh Giang thuộc xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên; đền Bà Vũ, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân; đền Mẫu Cửu Tỉnh, xã Phù Vân, Thành phố Phủ Lý. Tại ba di tích trên nói riêng và các di tích thờ Tam tòa, Tứ phủ ở Hà Nam nói chung, hình thức diễn xướng nghi thức này đều phải trải qua các khâu: Chuẩn bị thời gian, không gian thực hành nghi lễ, chuẩn bị đồ lễ, dàn nhạc cho đến người thực hành nghi lễ là các cung văn và các ông đồng, bà đồng cùng những người phục vụ gọi là tứ trụ. Số người tham gia thực hành nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam tòa, Tứ phủ khá đông đảo, toàn tỉnh hiện có 87 cung văn, trong đó huyện Bình Lục có 11 cung văn, huyện Duy Tiên có 15 cung văn, huyện Thanh Liêm có 24 cung văn, huyện Kim Bảng 12 cung văn, huyện Lý Nhân 16 cung văn, Thành phố Phủ Lý 09 cung văn. Trong số 87 cung văn kể trên, người cao tuổi nhất sinh năm 1929 (81 tuổi), người trẻ nhất sinh năm 1992 (20 tuổi). Riêng đền Lảnh Giang có đội cung văn 40 người, do Trưởng cung văn Lê Thanh Hiền phụ trách (ông Lê Thanh Hiền hiện đang là Chủ nhiệm câu lạc bộ cung văn tỉnh Nam Định). Đội cung văn này đa phần là người địa phương và được đào tạo khá bài bản.
Nội dung nghi lễ Chầu văn là sự tái hiện hình ảnh các vị Thánh nhằm ban phúc lộc cho các tín đồ đạo mẫu. Nghi lễ này giữa các đền vừa mang những đặc điểm chung đồng thời có sắc thái riêng. Đặc điểm riêng ấy được thể hiện ở việc thờ các vị Thần, Thánh trong đền. Nghi lễ Chầu văn thường có rất nhiều giá hầu, thông dụng là 36 giá. Qua nghiên cứu ở rất nhiều di tích trên địa bàn tỉnh thì ở các nơi thường chỉ hầu 20 giá chính, như: Giá các Thánh Mẫu gồm Thánh Mẫu đệ nhất, đệ nhị, đệ tam; giá các Quan như Quan lớn đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, đệ ngũ; giá hàng Chầu như Chầu đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, chầu mười; giá các ông Hoàng như ông Hoàng Ba, Hoàng Bẩy, Hoàng Mười; giá các cô như cô Ba, cô Chín, cô bé Thượng ngàn; giá các cậu như: cậu Cả, cậu Đôi, cậu bé Bản đền. Mỗi một giá đều có văn hầu, trang phục riêng. Văn hầu do cung văn thực hiện, trang phục ở mỗi giá có khác nhau về kiểu dáng và màu sắc: Màu đỏ đại diện cho các giá thánh Mẫu Thượng Thiên – miền trời và những giá hầu mẫu từ hàng quan đến hàng cô; màu xanh liên quan đến mẫu Thượng Ngàn – miền rừng; màu trắng liên quan đến Mẫu Thoải – miền sông nước.
Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Hà Nam đã có từ lâu đời. Trước kia, nghi lễ này đã có một thời gian bị coi là hiện tượng mê tín dị đoan nên bị xem nhẹ, đến nay, các hình thức diễn xướng đang từng bước được khôi phục, duy trì như vốn có, được cộng đồng cư dân bảo vệ, giữ gì; hiện nay, ba trung tâm đại diện có nghi lễ Chầu văn ở tỉnh đều có cơ sở thờ tự tương đối khang trang, hàng năm đều đặn tổ chức nghi lễ. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số đồng đền, cung văn có nhận thức chưa đầy đủ về giá trị nghi lễ Chầu văn, một số nơi xuất hiện hiện tượng thương mại hóa, lợi dụng các sinh hoạt nghi lễ và lễ hội để kiếm tiền vì mục đích cá nhân; không gian thực hành nghi lễ bị sân khấu hóa nửa tâm linh, nửa trình diễn, làm méo mó giá trị văn hóa của nghi lễ này. Để bảo tồn và phát huy tốt các giá trị của nghi lễ Chầu văn ở Hà Nam trong thời gian tới, chúng tôi xin đưa ra một số biện pháp như sau:
Xây dựng kế hoạch tư liệu hóa, vật thể hóa nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống của từng loại di sản văn hóa trong cộng đồng; Giáo dục cộng đồng ý thức về giá trị di sản văn hóa, coi đây là tài sản chung, mọi người đều có quyền hưởng thụ và có trách nhiệm giữ gìn; Có chế độ thích đáng cho các cung văn giỏi, những người truyền dạy và có công sức giữ gìn nghi lễ Chầu văn; Nâng cao vai trò quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa, trong đó có nghi lễ Chầu văn, gắn hoạt động này vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa; Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm nghi lễ Chầu văn cổ để phục hồi như vốn có; Tăng cường, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở địa phương, có kế hoạch tập huấn cho đội ngũ cung văn; Thành lập Câu lạc bộ Chầu văn của tỉnh. Quy hoạch các di tích liên quan tín ngưỡng Tam tòa, Tứ phủ để có biện pháp tu bổ, tôn tạo, phục hồi không gian, cơ sở vật chất phục vụ tốt các lễ hội và nghi lễ Chầu văn.
Trương Thị Tuyết Chinh
Tập san Sở VHTTDL Hà Nam
Nguồn : http://hanam.gov.vn/