Làn điệu hát chầu

Hát chầu văn sử dụng nhiều làn điệu (hay còn gọi là lối hát, cách hát). Người xưa còn gọi làn điệu là cách 格. Thí dụ như điệu bỉ thì gọi là bỉ cách, điệu dọc thì gọi là dọc cách…

Các làn điệu hát văn cơ bản gồm: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú rầu (phú dầu), Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn Xá, Kiều Dương, Hãm, Dồn, điệu kiều thỉnh, Hát Sai (Hành Sai), ngâm thơ. Ngoài ra còn sử dụng nhiều làn điệu khác như hát nói trong ca trù, hát then, hò Huế, hồ quảng, hát canh …..

Mỗi giá hầu thường có một số điệu hát riêng, như các giá về Thiên phủ hay Địa phủ thường dùng dọc, phú, giá về Thoải phủ thường là cờn, còn các giá Nhạc Phủ là Xá.

– Bỉ mang sắc thái trịnh trọng, được dùng để mở đầu cho hình thức hát văn thờ. Thông thường điệu Bỉ được hát trên thể thơ thất ngôn tứ cú (bốn câu mỗi câu bảy chữ) hoặc thất ngôn bát cú (tám câu mỗi câu bảy chữ) nhưng cũng có khi điệu này có thể hát trên các thể thơ khác như song thất lục bát, lục bát, song thất nhất bát. Trong các bản sự tích chư thánh được hát thờ thì đoạn bỉ thường là đoạn giới thiệu tóm tắt nội dung chính của cả bản văn. Các đoạn bỉ cũng thường sử dụng nhiều câu đối nhau (biền ngẫu). Một điều đặc biệt nữa đó là điệu bỉ chỉ có trong hát văn thờ mà tuyệt nhiên không có trong hát văn hầu đồng. Bỉ được lấy theo dây lệch, nhịp theo lối dồn phách.
– Miễu là lối hát rất nghiêm trang, đĩnh đạc, chỉ được dùng trong hát thi và hát thờ, tuyệt nhiên không bao giờ được dùng trong Hầu Bóng. Miễu được lấy theo dây lệch, nhịp đôi.
– Thổng chỉ dành riêng cho văn thờ và văn thi, được lấy theo dây bằng, nhịp ba.
– Phú Bình dành riêng cho hát văn thờ, rất đĩnh đạc, và dùng để hát ca ngợi các nam thần. Phú Bình được lấy theo dây lệch, nhịp 3.
– Phú Chênh là lối hát buồn, thường dùng để hát trong những cảnh chia ly. Được lấy theo dây bằng, nhịp 3.
– Phú Nói thường dùng để mô tả cảnh hai người gặp gỡ, nói chuyện với nhau. Dùng trong hát văn thờ, văn thi và cả trong hầu bóng. Lấy theo dây bằng, nhịp ba hoặc không có nhịp mà chỉ dồn phách.
– Phú Rầu là lối hát rất buồn, được lấy theo dây bằng nhưng hát theo nhịp đôi.
– Đưa thơ được lấy theo dây bằng, nhịp 3 và dồn phách, nhưng chủ yếu là dồn phách.
– Vãn lấy theo dây bằng, nhịp đôi, hát theo lối song thất lục bát, hát theo lối vay trả (vay của câu trước thì trả lại trong câu sau).
– Dọc lấy theo dây bằng, nhịp đôi, hát theo lối song thất – lục bát và hát theo nguyên tắc vay trả. Nếu hát từng câu thì gọi là nhất cú. Nếu hát liền hai câu song thất – lục bát thì gọi là “Dọc gối hạc” hay “Dọc nhị cú”.
– Cờn dùng để ca ngợi sắc đẹp các vị nữ thần. Cờn được lấy theo dây lệch, nhịp đôi. Có thể hát theo dây bằng, nhưng hầu hết là hát kiểu dây lệch (biến hóa).
– Hãm lấy theo dây bằng, nhịp đôi, đây là lối hát rất khó vì phải hát liền song thất lục bát. Trong lối hát này có một tuyệt chiêu là Hạ Tứ Tự, có nghĩa là mượn bốn chữ của trổ sau, khi sang một trổ mới thì lại trả lại bốn chữ ấy.
– Dồn được lấy theo dây bằng, nhịp 3.
–  là một trong những điệu hát quan trọng nhất khi hát văn hầu bóng (cùng với Cờn, Dọc, Phú nói). Điệu Xá đặc trưng cho các giá nữ thần miền thượng.
Ngoài ra hát chầu văn còn có thể mượn các làn điệu nhạc cổ truyền khác như ca trù, quan họ, hò Huế và cả những điệu hát của dân thiểu số.

Tiết tấu hát chầu

Hát văn thường sử dụng nhịp ngoại (đảo phách). Loại nhịp này mang đến một cảm giác không ổn định trong tâm trí người nghe, đưa người nghe vào trạng thái mông lung, huyền ảo.

Xen kẽ những đoạn hát là đoạn nhạc không lời, gọi là lưu không

5/5 - (1 bình chọn)