Đã từ lâu, các hội phủ Giầy Nam Định, hội đền Đồng Bằng (Thái Bình), hội đền Bảo Lộc (Nam Định) và hội Kiếp Bạc (Hải Dương) được tổ chức vào mùa xuân và mùa thu đã trở thành những “Quốc lễ”- tiêu biểu nhất của lễ hội Việt Nam cổ truyền. Nhiều dòng khách hành hương đã tìm về những địa chỉ văn hoá này để cầu nguyện, bày tỏ lòng sùng kính…Nhưng, số người hiểu được nội dung tâm linh-lịch sử thật sự của chúng thì không phải là nhiều.
Đền Đồng Bằng thờ vua Cha Bát Hải Đại Vương thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Theo truyền thuyết, vua Hùng ra chiếu kêu gọi người hiền tài ra cứu nước khi có giặc xâm lăng, một con rắn lớn nhất hoá thành người đem đội quân gồm rồng, rắn, thuồng luồng cá sấu đi đánh giặc.
Chiến thắng trở về, ông được vua phong là Bát Hải Đại Vương, và được dân Đào Động lập đền thờ, tôn thành hoàng làng. Nơi đây, vào thế kỷ XIII là mảnh đất quê hương của dòng họ nhà Trần, là địa bàn hoạt động quân sự của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chống quân Nguyên nay để lại nhiều di tích. Tương truyền, Trần Hưng Đạo cùng tướng lĩnh của mình như Phạm Ngũ Lão đã từng đến ngôi đền thờ vị Thuỷ thần này cầu xin phù trợ diệt giặc.
Khi Trần Hưng Đạo mất, ngôi đền này cùng thờ Đức Thánh Trần và hàng năm mở hội giỗ Cha vào ngày 20 tháng 8 ÂL. Dân coi Đức Thánh Trần như vua cha, còn bên kia là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Trong lịch sử, ông là vị tướng tài, còn trong tâm thức dân gian, ông được hình dung là một vị thánh do Thanh tiên Đồng tử (em bé áo xanh) đầu thai, có Kim đồng ngọc nữ hộ vệ xuống phương Nam trừ hoạ giúp dân. Dòng dõi nhà Trần vốn là cư dân sông nước vạn chài, từng lập chiến công thuỷ chiến lẫy lừng với quân Nguyên Mông ở vùng sông nước, vì thế khi được phong Thánh, ông đã được quy về dòng Thuỷ thần có cội nguồn xa xưa là Long Vương – đó là điều hợp quy luật với tâm thức dân gian vùng đồng bằng sông nước.
Ở đền Đồng Bằng, trong hậu cung thờ vua Cha Bát Hải Đại Vương, còn hai bên tả hữu là điện thờ tam toà Thánh Mẫu và Đức Thánh Trần cùng 10 vị hoàng tử con Long Vương. Trong những ngày hội “giỗ Cha” ở các đền Đồng Bằng, Bảo Lộc và Kiếp Bạc có các nghi thức lễ rước trên sông, mở hội đua thuyền, hát chầu văn kèm theo các nghi thức lên đồng của dòng thanh đồng để trừ tà ma.
Còn Giỗ Mẹ tháng Ba diễn ra ở tất cả các đền thờ Mẫu, nhưng trung tâm là ở Phủ Giầy- nơi giáng sinh và cũng là nơi hoá của Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào ngày 3 tháng Ba ÂL. Nghi thức quan trọng nhất của giỗ Mẹ là đám rước trên bộ từ đền Mẫu đến chùa gắn với sự tích thánh Mẫu quy y nhà Phật với sự bảo trợ của Phật Bà Quan Âm – lễ rước từ phủ Tiên Hương và Vân Cát lên chùa Gôi và chùa Dần diễn ra vào ngày 5 và 6 tháng Ba ÂL.
Truyền thuyết này phản ánh sự thâm nhập giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và đạo Phật dân dã, mở đường cho sự thâm nhập các điện Mẫu vào trong các chùa. Tại hội Mẫu Phủ Giầy, có các tục lệ đáng chú ý như: hội kéo chữ (kéo gậy), hầu bóng đồng cốt, v.v. Hội Phủ Giầy được các nhà nghiên cứu văn hoá hiện đại đánh giá là một thành phần quan trọng tạo nên “bản Đại diễn xướng sử thi Liễu Hạnh”.
Nhưng Liễu Hạnh là ai ? Vì sao đạo Mẫu được tôn vinh đến thế trong tâm thức dân gian ? Và cội nguồn sâu thẳm của tục giỗ Cha, giỗ Mẹ là gì ?…Để có thể giải đáp được phần nào những thắc mắc trên, chúng ta cần lùi xa hơn vào lịch sử tâm linh cổ đại.
Ở một ngôi chùa cổ Bắc Ninh, có một pho tượng khá đặc biệt – tượng một người phụ nữ bằng đồng, tay xách giỏ cua, quần áo tơi tả nhưng dáng vóc đường bệ. Truyền thuyết kể: đời nọ có một Thái Phi sinh được hoàng tử, nhưng đứa bé không chịu bú mẹ. Nhân một lần vua đi vi hành qua cánh đồng, thấy cô thôn nữ bắt cua có bầu vú sữa căng tròn bèn vời vào cung. Đứa bé đã thích thú bú bầu sữa có vị thơm ngọt của đồng quê ấy.
Người phụ nữ được vua phong cho làm nhũ mẫu của hoàng tử, nhưng nàng từ chối, xin được về quê để lại mò cua bắt ốc. Sau đó, người dân Kinh Bắc tạc tượng bà và tôn thờ như một biểu tượng của người mẹ nghèo Việt Nam đã sinh ra và nuôi dưỡng các ông hoàng bà chúa, các danh nhân văn hoá lịch sử, rồi khước từ vinh hoa phú quý nơi điện ngọc để trở về với làng quê cội nguồn…
Bức tượng đồng trên cũng cho chúng ta hiểu thêm về đời sống thiên về tình cảm và trọng phụ nữ của cư dân nông nghiệp và làm sáng tỏ thêm về một lĩnh vực tín ngưỡng có liên quan đến các nữ thần. Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, có tới 75 nữ thần được thờ phụng trong dân gian. Họ không phải là các cô gái trẻ đẹp mà là các Mẫu, các bà Mẹ.
Trước hết, đó là Bà Trời (Mẫu cửu trùng, Bà Thiên), Bà Đất (Mẫu Địa), Bà Nước (Bà Thuỷ)- ba nữ thần cai quản ba hiện tượng tự nhiên quan trọng nhất và thiết thực nhất đối với cuộc sống người làm nông nghiệp lúa nước. Trong dân gian, ba nữ thần này được thờ trong hệ thống tín ngưỡng Tam Phủ, với ba bà cai quản ba vùng Trời – Đất – Nước: Mẫu Thượng Thiên (Bà Trời), Mẫu Thượng Ngàn (Bà Đất), Mẫu Thoải (Bà Nước). Tiếp theo đó là các Bà Mây, Bà Mưa, Bà Sấm, Bà Chớp – những hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng to lớn trong đời sống cư dân nông nghiệp lúa nước.
Khi Phật giáo vào Việt Nam, nhóm nữ thần Mây – Mưa – Sấm – Chớp này lại được khoác thêm bộ áo Phật giáo với truyền thuyết Man Nương Phật Mẫu được nhào nặn thành hệ thống Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện đang hiển hiện tại Chùa Dâu này và ở nhiều nơi khác. Vị Phật Quán Thế Âm Bồ Tát từ Ấn Độ sang Việt Nam lại trở thành Phật Bà Quán Âm – vị thần hộ mệnh của cơ dân sông nước, nên còn được gọi là Quán Âm Nam Hải (Tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp huyện Thuận Thành là tiêu biểu).
Người dân châu thổ sông Hồng nói riêng, người Việt Nam nói chung còn có những Phật Bà riêng của mình: như người con gái nàng Man sinh ngày 8 – 4 được xem là Phật tổ của Việt Nam, còn nàng Man thì trở thành Phật Mẫu; và còn nhiều Phật bà khác nữa: Quán Âm Thị Kính (hay Quán Âm Tống Tử), Phật Bà chùa Hương (Bà Chúa Ba), Bà Trắng chùa Dâu…Thậm chí, Đức Phật Thích ca trong nhiều tranh dân gian được hình dung là Phật Bà. Nhiều chùa chiền mang tiên các bà (riêng Hà Nội có 6 chùa mang tên các bà: chùa Bà Đá, chùa Bà Đanh, chùa Bà Ngô v.v.)
( Theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm: Tìm về bản sắc văn hoá VN, Nxb Tổng hợp TPHCM, 2006 tr.469 )
Cái gốc của văn hoá Việt Nam là đạo Mẫu – thờ Mẹ xuất phát từ xa xưa, từ thời huyền thoại Âu Cơ và chảy mãi cho đến tận ngày hôm nay, nó có sức sống lâu bền ở chính nền tảng nông nghiệp lúa nước. Gắn với nền kinh tế lúa nước ấy, người phụ nữ đã trở thành biểu tượng của sự cần cù, hy sinh, chịu thương chịu khó, của sự cầu may hạnh phúc no đủ. T
rong tất cả các đình chùa, miếu mạo ở khắp mọi miền châu thổ, chúng ta đều tìm thấy hình tượng người phụ nữ nông thôn trong nguồn cảm hứng dân gian vô tận được diễn tả một cách tươi tắn, sinh động, gần gũi, trong một vẻ đẹp thánh thiện bộc lộ mơ ước của người Việt xưa (những hình ảnh người phụ nữ trong chùa Bút Tháp, chùa Mía, đình Tây Đằng, đình Phù Lão, v.v.) Cần phải kể lại truyền thuyết: ở động Lăng Xương ( Xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy ngày nay), khi bà Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra có 100 người con trai, thì 50 người con theo dòng sông Cái (tức sông Hồng ) cùng Lạc Long Quân xuống biển.
Đó là cuộc thiên di thứ nhất của dân tộc, mở mang phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng. Còn bà Âu Cơ đưa 50 người con ngược sông Cái lên núi. Tới Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ ngày nay, thấy nơi đây đất tốt, người thưa thớt, bà mới lưu các con lại, bày cho dân đào giếng lấy nước ăn, trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, ép mía nấu thành đường mật…
Khi dân Hiền Lương đã thông thạo việc nông trang, làm bánh, bà Âu Cơ đi ngược sông Thao đi mãi lên phía Bắc. Những người con sau đó tôn người anh cả làm vua, đó là Hùng Vương thứ nhất. Dân làng lập đền thờ Âu Cơ gọi là đền Mẫu. Bà Âu Cơ là Mẫu sớm nhất của người Việt cổ. Mẫu Âu Cơ là hiện thân của Đất mẹ vì bà là giống Tiên ở trên núi, còn Lạc Long Quân là giống Rồng ở dưới nước.
Mẫu Âu Cơ được thờ phụng ở rất nhiều nơi, nhưng ở Hiền Lương là sớm nhất, lại là nơi ghi dấu ấn của bà. Hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội diễn lại sự tích bà Âu Cơ dạy dân cấy lúa, trồng khoai, làm bánh, dệt vải, ca hát…Đằng sau sương mù của huyền thoại, chúng ta nhận thấy biết bao nỗ lực của người dân vùng đỉnh châu thổ sông Hồng để ổn định cuộc sống, mở mang kỹ thuật canh tác, và đặc biệt là minh chứng cho lý thuyết của một nhà nghiên cứu văn hoá: “Truyện họ Hồng Bàng” hay là lời khuyên chân thành thứ nhất về ý thức xây dựng khối đại đoàn kết vì nghĩa tình ruột thịt”( Nguyễn Khắc Thuần-Tiến trình văn hoá Việt Nam-Nxb Giáo dục-2007, tr.78).
Chúng ta có thể nghiệm ra điều này: Chính sự đoàn kết nghĩa tình ruột thịt được tồn tại hàng ngàn năm trong khái niệm “đồng bào” này mà người dân châu thổ đã có đủ nghị lực để vượt bao chặng đường thấm máu và mồ hôi đi từ rừng sâu núi thẳm xuống vùng đất phù sa bằng phẳng màu mỡ nhưng cũng đầy hiểm nguy bất trắc. Và cũng từ đền Mẫu Hiền Lương này, từ đây về sau, đến tất cả những vùng châu thổ sông Hồng có thờ Mẫu, chúng ta cũng đều sẽ tìm thấy hình bóng của mẹ Âu Cơ- người mẹ đầu tiên của nước Việt. Tín ngưỡng tổ tiên là một hiện tượng đặc sắc trong văn hoá cổ truyền VN, thờ một tổ tiên chung.
Ý thức nguyên thuỷ “cha Rồng mẹ Tiên” đã đi theo ký ức một dân tộc trong hàng nghìn năm và đã góp phần tạo ra cái sức mạnh tinh thần tiềm tàng đến phi thường. Có thể khẳng định rằng: đạo thờ Mẫu của người Việt từ thời cổ gắn liền với sự tích mẹ Âu Cơ, và nó đã có đất để phát triển khi cư dân Việt gắn cuộc sống nông nghiệp của mình với sông Mẹ (tức sông Cái, sông Hồng). Nhiều đền thờ Mẫu nằm ngoài đê sông Cái đủ minh chứng cho tín ngưỡng thờ cúng Thuỷ thần (Mẹ nước) của người Việt cổ đồng bằng sông Hồng. Và Mẫu của các Mẫu, đỉnh cao của viêc thờ mẫu là sự suy tôn Mẫu Liễu Hạnh- một trong “tứ bất tử” của thần điện VN! Người đầu tiên phát hiện và đề cao Mẫu Liễu Hạnh lại chính là nhà nho Phùng Khắc Khoan- trạng Bùng người làng Phùng Xá ( Hà Tây cũ) sau khi cụ đi sứ Trung Quốc về, trong một cuộc xướng hoạ thơ văn kỳ thú ở Tây Hồ- Hà Nội (Bà Đoàn Thị Điểm đã kể lại chuyện này trong tác phẩm “Vân cát thần nữ truyện”).
Hiện tượng Mẫu Liễu đã tốn không ít giấy mực tranh luận của các nhà nghiên cứu suốt mấy chục năm qua, song cuối cùng đã tới những thống nhất về căn bản: Mẫu Liễu là một sự phát triển nâng cao của hệ thống hình tượng Mẫu của người Việt từ cổ xưa cho tới nay- và không gượng ép để khẳng định rằng: Mẫu Liễu là một anh hùng văn hoá dân tộc. Người góp công lớn nhất trong việc “tập đại thành” hình tượng Mẫu Liễu của dân gian trở thành hình tượng văn học sống mãi với thời gian chính là Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
Với chất liệu dân gian sẵn có, bà Đoàn Thị Điểm đã sáng tạo ra tác phẩm “Vân cát thần nữ truyện” kể về thân phận và hành trạng Mẫu Liễu. Nhà nghiên cứu Đặng Văn Lung đã đánh giá: “Cái tài tình của nữ sĩ là đã kết tinh được vào thiên truyện này những giá trị tinh thần của dân tộc ta- cái mà trước đó đã bị tản mát, thậm chí có khi trở thành đối lập- vào một chỉnh thể thống nhất tuyệt đối và tối cao”…”Chính nữ sĩ cũng như nhân dân thời ấy ( thế kỷ 18) đã nhìn thấy chân lý đang hiện ra, thấy sức mạnh của nhân dân ta tràn đầy, thấy “quan nhất thời dân vạn đại”, thấy cái cốt lõi đã làm nên chiến thắng lịch sử lẫy lừng, thấy đường đi nước bước của dân tộc… Vân cát thần nữ truyện là tác phẩm đầu tiên cởi mở lý trí tâm linh của con người.” ( Lịch sử và văn học dân gian, Nxb Văn học-2003, tr.949-tr.995).
Đến đây, chúng ta đã có thể giải mã được phần nào những câu hỏi đã nêu ở trên. Nhiều người đã tìm hiểu, phân tích về nội dung ý nghĩa cũng như cội nguồn của tục lệ giỗ Cha giỗ Mẹ. Sự đúc kết của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Ngô Đức Thịnh là đáng chú ý hơn cả: “Tục lệ tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ như là điểm quy tụ nét đặc sắc nhất của nghi lễ hội hè của đạo Mẫu người Việt.
Ở đây, nó thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ – âm dương tương khắc tương đồng, nguồn gốc tạo ra mọi hiện tượng vũ trụ, với hệ quy chiếu gia tộc trong ứng xử xã hội: gia đình, cha mẹ và con cái ’’Có âm có dương , có vợ chồng. Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê” (Nguyễn Gia Thiều) được phóng đại và trở thành khung ứng xử xã hội, để từ giỗ cha mẹ, tổ tiên gia tộc trở thành giỗ Tổ Hùng Vương, giỗ Cha giỗ Mẹ của đạo Mẫu” (Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam- Nxb KHXH, 2001-tr.168).
Khi hiểu rõ về nguồn gốc của Lễ hội, của những địa chỉ văn hoá-tâm linh, chắc chắn con người ta sẽ bớt đi những hành vi mê tín, phản văn hoá, và có thêm những cảm xúc thánh thiện để làm giàu có cho đời sống tâm hồn…